Khóc kèm theo hiện tượng này, cha mẹ phải lưu tâm kẻo hối hận đã muộn
Tin liên quan
Mới đây, trên mạng xã hội một ông bố chia sẻ về trường hợp trẻ khóc, hờn tới mức tím tái co giật khiến cho bố mẹ hoảng hồn. Bố mẹ vội vàng đưa bé vào bệnh viện khám thì bé lại trở lại bình thường. Bé đã được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và cho thấy không có bất cứu điều gì bất thường.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch mai cho hay, hiện tượng trẻ khóc tới mức tím tái người thậm chí xuất hiện co giật sau đó lại bình thường còn được gọi là cơn “khóc lạ”.
Cơn “khóc lạ” có thể gặp ở trẻ còn bú, trẻ nhỏ và một số bé có thần kinh không vững vàng, đặc biệt gặp ở trẻ hay hờn dỗi. Khi trẻ nhỏ khóc, thanh quản sẽ bị co thắt, không thể thở được sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị tím tái do bị thiếu oxy và có thể xảy ra co giật.
“Co giật khi trẻ khóc chỉ là thoáng qua sau khi oxy trong máu xuống thấp sẽ kích vào não phải thở, thanh quản của trẻ mở ra trẻ sẽ khóc to và tự thở lại. Trẻ sẽ tự hết co giật và sức khỏe lại trở lại bình thường”, PGS.TS Dũng nói.
Theo PGS.TS Dũng trước đây bác sĩ đã từng gặp rất nhiều trẻ có cơn “khóc lạ” vào cấp cứu. Trẻ khóc đến tím tái, gặp bác sĩ sẽ rất sợ. Sau nhiều lần gặp, cùng với những kinh nghiệm đúc kết được, bác sĩ Dũng thấy hầu hết các trường hợp này sẽ tự thở lại mà không cần bất cứ tác động nào.
PGS.TS Dũng khuyến cáo: “Hiện tượng cơn “khóc lạ” chỉ an toàn khi đứa trẻ đó hoàn toàn bình thường không có bệnh lý nền (tim mạch, não…). Tuy nhiên, với những đứa trẻ có bệnh lý về tim, não, nếu trẻ khóc và xuất hiện tím tái cần phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu”.
Để biết cơn “khóc lạ” có an toàn với trẻ hay không, cha mẹ cần phải đi kiểm tra tim mạch, não của trẻ. Nếu như như kết quả kiểm tra cho thấy không có bất thường, nếu xảy ra triệu chứng cơn “khóc lạ” không nên qua lo lắng.
Có nên để trẻ khóc để tự lập hay không?
Thời gian gần đây, không ít bà mẹ Việt Nam học theo cách nuôi dạy con theo kiểu phương Tây. Cho nên, nhiều bà mẹ tập ngủ cho con bằng cách để mặc cho con khóc, sau đó con sẽ tự đi ngủ. Tuy nhiên, PGS.TS Dũng khuyên việc tập cho con tự ngủ một mình phải từ từ và cha mẹ cần can thiệp khi thấy con nguy hiểm. Phụ huynh không nên bỏ mặc con hoàn toàn.
“Hiện nay, chưa có nghiên cứu cho con ngủ riêng hay ngủ chung là tốt. Theo tôi, trẻ nhỏ thì vẫn nên ngủ với bố mẹ. Trẻ còn đang bú không nên cho trẻ ngủ riêng. Khi bố mẹ nằm cạnh, trẻ sẽ yên tâm để ngủ ngon. Trẻ khóc là đau đớn thực thể do lo sợ, về tâm thần tâm lý dễ hoảng sợ hay còn gọi stress. Khi trẻ lớn hơn có ý thức và tiếp xúc với bên ngoài thì khi đó nên cho trẻ ngủ riêng”, PGS. Dũng nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, không phải tất cả các cách nuôi dạy con theo Phương tây đều phát huy hiệu quả. Ví dụ, các mẹ ở phương Tây thường cho con ngủ sấp và thấy tỷ lệ trẻ con tử vong đột ngột rất nhiều, hiện nay họ lại cho con năm ngửa theo người châu Á.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất