Khổ sở vì dị ứng 5 loại kháng sinh, thuộc làu điều này kẻo có ngày chuốc họa “sốc phản vệ"
Tin liên quan
Tiêm test là mẩn ngứa, nổi cục
Năm ngoái, khi bị viêm đường tiết niệu, đi tiểu quá buốt nên chị Ánh phải nhập viện điều trị.
Căn bệnh không quá phức tạp nhưng điều khiến chị “toát mồ hôi” là bị dị ứng tới 5 loại kháng sinh trong bệnh viện.
“Bác sĩ thử kháng sinh nào tôi cũng bị dị ứng mẩn ngứa, nổi cục, phát ban mề đay ngay tại chỗ tiêm test. Lần cuối cùng thử kháng sinh, tôi bị tê bì một bên cánh tay”, chị Ánh kể.
Kể từ đó đến nay, bệnh cứ tái đi tái lại vì không được điều trị dứt điểm. Một phần do bận công việc, một phần do chị Ánh ám ảnh việc dị ứng thuốc kháng sinh.
Gần đây, trong một lần điều trị bệnh phụ khoa, khi bác sĩ tiêm tê để thực hiện thủ thuật, chị Ánh cũng xuất hiện tình trạng dị ứng thuốc với các biểu hiện tương tự.
“Tôi thực sự mệt mỏi, ám ảnh việc bản thân bị dị ứng thuốc. Không dùng thuốc thì không khỏi bệnh mà dùng thuốc thì dị ứng kéo đến bất thình lình”, chị Ánh tâm sự.
Dị ứng thuốc kháng sinh có thể khiến người bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa.
Trường hợp dị ứng thuốc như chị Ánh là không hề hiếm gặp. Có người sợ dị ứng thuốc đến nỗi chỉ dám uống một nửa liều lượng thuốc bác sĩ kê để “nghe ngóng” phản ứng của cơ thể rồi mới dám uống tiếp.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn (Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hà Nội, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai) nhận định có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng, sốc phản vệ như thức ăn, hóa chất, nọc côn trùng, thuốc...
Trong đó, thuốc là một các nguyên nhân lớn nhất gây dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ cho người bệnh. Dị ứng thuốc, sốc phản vệ do thuốc thường xảy ra ở bệnh viện, các cơ sở y tế và thậm chí tại nhà bởi thói quen tự mua và sử dụng thuốc như hiện nay.
“Cơ chế sốc phản vệ phức tạp, hậu quả đến rất nhanh và nguy kịch. Không chỉ bệnh nhân mà cả thầy thuốc đều bất ngờ mà không lường trước được. Nhiều khi test lẩy da cho kết quả âm tính nhưng vẫn có thể xảy ra dị ứng nặng với thuốc.
Tỉ lệ tử vong do sốc phản vệ là 1/1000.000 người. Thuốc là nguyên nhân hàng đầu trong các ca sốc phản vệ ở Việt Nam.
Tất cả các loại thuốc đều có thể gây phản vệ hoặc sốc phản vệ, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê, truyền các sản phẩm của máu.
Cho nên cần hiểu đúng về dị ứng, sốc phản vệ để tránh bị “oan” cho người thầy thuốc”, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn nói.
Người dị ứng cần chủ động thông báo với thầy thuốc
Theo PGS. Nguyễn Văn Đoàn, hiện tại Việt Nam đã có thiết bị lấy máu của bệnh nhân trong 1 – 3 giờ đầu tiên xảy ra sốc phản vệ để xét nghiệm xem trong đó có men tryptase hoặc histamin.
Bởi đây là các hoá chất trung gian gây ra tình trạng trạng sốc phản vệ được giải phóng từ tế bào mast, basophil.
Từ đó làm cơ sở dữ liệu để người thầy thuốc cấp thẻ theo dõi dị ứng cho bệnh nhân.
Sau này khi đi khám chữa ở bất cứ đâu, họ có thể mang theo thẻ để bác sĩ biết và có cách khám chữa phù hợp, tránh tai biến đáng tiếc.
Đối với người thầy thuốc, PGS. Đoàn cho rằng: “Cần thiết phải khai thác kỹ tiền sử tiền sử dị ứng của người bệnh, đặc biệt là những người đã từng bị dị ứng thuốc, cơ địa dị ứng, nguy cơ mẫn cảm chéo”.
Để tránh dị ứng, sốc phản vệ do thuốc, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý lạm dụng thuốc. Ảnh minh họa.
Đối với người dân, đặc biệt là người có tiền sử dị ứng thuốc, sốc phản vệ, PGS.TS Đoàn khuyến cáo họ cần được trang bị kiến thức dự phòng sốc phản vệ, chủ động thông báo tình trạng dị ứng của mình với thầy thuốc và được trang bị bơm tiêm adrenalin tự động định liều nếu có điều kiện.
Việc trang bị bút tiêm tự động rất hữu ích, đặc biệt là khi đi người dân đi rừng, lên máy bay – nơi mà hoàn cảnh cấp cứu gần như rất ngặt nghèo.
Từ nhiều năm nay, nhiêu nước đã sử dụng có bút tiêm tự động Adrenalin. Nhưng giá thành đắt đỏ 100USD/ bút và hạn sử dụng chỉ trong 6 tháng.
Đây là trở ngại không nhỏ với túi tiền còn eo hẹp của người bệnh tại Việt Nam.
“Cho nên, phương pháp dự phòng tốt nhất là chúng ta nên cần phải nâng cao sức khỏe để hạn chế phải dùng thuốc và khi bị bệnh không tự ý mua thuốc điều trị cho chính mình. Không dùng thuốc theo thói quen, theo mách bảo của người khác, có bệnh thì cần đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc đầy đủ”, PGS. Đoàn nhấn mạnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất