Hội chứng cực kỳ đáng sợ, nếu không vượt qua được thời điểm này sản phụ chắc chắn trầm cảm sau sinh
Tin liên quan
Trầm cảm sau sinh có thể mắc ở bất cứ phụ nữ nào sau sinh. Tuy nhiên, có những người bị rất nặng nhưng cũng có những người không bị.
TS.BS Tô Thanh Phương, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hay trầm cảm có nguy cơ mắc ở phụ nữ sau sinh là có liên quan tới yếu tố sinh lý của cơ thể.
Trong quá trình mang thai, nồng độ estrogen và các chất dưỡng thai tăng nhanh theo sự phát triển của thai. Tuy nhiên, sau sinh, nồng độ oestrogen trong cơ thể người phụ nữ sẽ giảm đột ngột khiến cho tâm lý và thể chất của người phụ nữ bị ảnh hưởng. Điều này lý giải vì sao sau khi phụ nữ thường mệt mỏi, mất sức… và dễ mắc trầm cảm nếu có những tác dụng tâm lý khác.
Bên cạnh đó, trong quá trình sinh đẻ, người phụ nữ bị mất nhiều sức lực (đau đẻ, mất máu…). Trong khi đó, ngay khi sinh xong, người mẹ sẽ phải chịu áp lực chăm con, cho con ăn, cho con bú, thức đêm chăm con làm ảnh hưởng tới nhịp độ sinh học của người mẹ. Vì vậy, người phụ nữ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Với những trường hợp không nhận được sự giúp đỡ của chồng và gia đình, nguy cơ trầm cảm sẽ rất cao.
“Trong tuần đầu tiên sau sinh, nếu sản phụ có những biểu hiện như: mất ngủ, lo âu, buồn chán vu vơ, hay nghĩ bị bỏ rơi, suy nghĩ về con nhiều… Đây còn gọi là giai đoạn “loạn thần sữa” hay hội chứng “ngày thứ 3”. Nếu ở giai đoạn này người phụ nữ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chồng và gia đình thì hội chứng “ngày thứ 3” sẽ giảm”, bác sĩ Tô Thanh Phương nói.
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, hội chứng “ngày thứ 3” sẽ ngày một nặng và đỉnh điểm ở 2 tuần sau sinh… Người bệnh sẽ có những triệu chứng như: không ngủ (90% người trầm cảm mất ngủ), căng thẳng, bi quan, chán nản... Có trường hợp bệnh nhân còn cho rằng vì con là nguyên nhân khiến mình khổ… hoang tưởng xoay quanh đứa con. Nếu trạng thái này kéo dài quá 2 tuần, người phụ nữ không thể thoát ra được nếu không có gia đình giúp đỡ. Vào thời điểm này, sản phụ cần phải được đưa đi khám để nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ.
Trầm cảm sau sinh sẽ xảy ra 2 trường hợp, yêu con một cách thái quá không cho bất cứ ai đụng vào con hoặc rất ghét con coi đứa trẻ là kẻ thù... Bệnh nhân thường sẽ xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, ảo thanh… trầm cảm sau sinh (có hoặc không loạn thần). Nếu nặng có hành vi tự giết con, giết chồng.
Bác sĩ Tô Thanh Phương cho hay, muốn phòng trầm cảm, trong quá trình mang thai cần phải đi khám định kỳ. Sau sinh trong một tuần đầu, sản phụ cần nhận được sự chia sẻ của chồng và gia đình. Người chồng đóng vai trò rất quan trọng giúp sản phụ thoát khoải căn bệnh.
Những yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh
Mất máu lớn ảnh hưởng tới chuyển hóa và tâm trạng.
Sinh non và những tai biến trong sản khoa.
Người mẹ buồn phiền lo lắng trước khi mang thai ví dụ, mang thai ngoài ý muốn, hôn nhân không hạnh phúc, mẫu thuẫn quan hệ mẹ chồng nàng dâu…
Yếu tố bên trong có những người nhạy cảm không thế đương đầu, đặc biệt lần đầu tiên làm mẹ.
Kinh tế gia đình khó khăn, sinh con không được sự trợ giúp chồng và gia đình.
Bị áp lực từ giới tính của đứa trẻ từ phía gia đình.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất