Dùng chung đơn thuốc: tổn thương não, suy đa tạng

Dùng chung đơn thuốc: tổn thương não, suy đa tạng

2016-12-08 08:38
- Tự ý dùng chung đơn thuốc của nhau hay dùng các loại thuốc lá điều trị đang là sai lầm khá phổ biến của các bệnh nhân tiểu đường. Hậu quả khiến cho bệnh nhân bị tổn thương não không hồi phục, suy đa tạng…

Rất nhiều hậu quả đáng tiếc khi dùng chung đơn thuốc

Tại khoa Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày vẫn tiếp nhận vô số các bệnh nhân điều trị sai thuốc. Những trường hợp này khi tới bệnh viện  thường đã rất nặng.

Bác L.T.T (46 tuổi, tại Vĩnh Phúc) có những dấu hiệu của bệnh tiểu đường đi tiểu nhiều lần, tiểu xong có rất nhiều kiến bu và vũng nước vừa tiểu ra. Bác T cũng thường xuyên thấy người mệt mỏi, hay bị khát nước… Nhưng thay vì đi tới bệnh viện khám và điều trị bác T dùng lại đơn thuốc của một người bạn bị mắc tiểu đường.

“Bà hàng xóm nhà tôi bị tiểu đường, khi tôi kể các triệu chứng bà ấy cho rằng tôi đã bị mắc bệnh rồi. Bà ấy đưa cho tôi đơn thuốc và dặn nhờ con ra hiệu thuốc lớn mà mua khỏi cần phải đi khám tốn tiền”, bác T nói.

tiểu đường

Bác sĩ đang xử lý vết thương bị hoại tử cho bệnh nhân bị tiểu đường.

Dùng đơn thuốc của người hàng xóm được 1 tuần bác T cảm thấy người mệt mỏi. Khi bác bị ngất xỉu, gia đình vội vàng đưa tới bệnh viện. Tại bệnh viện bác sĩ cho biết lượng đường huyết trong máu của bác T quá thấp và có dấu hiệu hôn mê do đường huyết thấp. Để tránh khỏi nguy cơ biến chứng họ đã yêu cầu gia đình bác T chuyển bác lên tuyến trên điều trị. Rất may cho bác T nhờ được điều trị kịp thời mà đã thoát khỏi tình trạng hôn mê, đường huyết đã ổn định.

Theo PGS.TS Nguyễn Diệu Vân, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hàng ngày khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tiểu đường điều trị sai thuốc, những trường hợp này khi tới bệnh viện thường rất nặng. Có trường hợp bệnh nhân gặp phải biến chứng suy chức năng gan, thận. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ khiến cho đường huyết tăng quá hoặc thấp đi gây ra biến chứng nguy hiểm”.

PGS.TS Nguyễn Diệu Vân khẳng định, điều trị đái tháo đường rất phức tạp nếu như dùng chung đơn thuốc của người đang điều trị bệnh có thể xảy ra hai trường hợp.

“Nếu thuốc không đủ thì người bệnh không thể kiểm soát được đường huyết trong máu. Trong trường hợp thuốc quá liều lượng có thể dẫn tới hạ đường huyết”, PGS.TS Nguyễn Diệu Vân nói.

Khi tăng đường huyết quá sẽ gặp phải những biến chứng như hôn mê tăng đường huyết. Hạ quá có thể bị hôn mê hạ đường huyết. Nếu như điều trị không đúng gặp phải biến chứng như tổn thương não không hồi phục, suy chức năng thận, suy chức năng gan, có những người bị suy đa phủ tạng rất nguy hiểm.

Không dùng đơn thuốc chung

PGS.TS Nguyễn Diệu Vân cho hay, sai lầm lớn nhất của bệnh nhân đái tháo đường là sử dụng sai thuốc. Người Việt Nam có một nhược điểm là khi nghe theo lời truyền miệng tự kê đơn thuốc điều trị cho chính mình. Bản thân bác sĩ đã gặp rất nhiều bệnh nhân tự ý điều trị thuốc của các ông lang, bà lang khi tới bệnh viện đã có những biến chứng và tử vong.

Khi mắc đái tháo đường cần phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa để khám. Bác sĩ sẽ phân định được bệnh nhân có mức độ đường máu là cao hay thấp, đã có biến chứng gì hay chưa, có bệnh lý gì đi kèm.

Trong trường hợp bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo bệnh lý suy chức năng thận. Đối với bệnh nhân này sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường không đúng sẽ dẫn tới suy thận sẽ nặng hơn.

“Để có thể ra được một đơn thuốc cho một bệnh nhân đái tháo đường, bác sĩ chuyên khoa cần dựa trên kết quả kiểm tra tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Mỗi một cơ thể một con người là một sự khác nhau về cả bệnh tật. Vì vậy không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người khác điều trị”, PGS.TS Nguyễn Diệu Vân cho biết.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 thói quen giúp phụ nữ Nhật trẻ mãi không già

Đọc nhiều nhất