Có nên cho con uống nước đỗ đen, sắn dây thay nước như nhiều bà mẹ đang làm?

Có nên cho con uống nước đỗ đen, sắn dây thay nước như nhiều bà mẹ đang làm?

Ngọc Minh 2017-06-13 10:30
- Nhiều phụ huynh không biết nước đỗ đen và sắn dây có tính mát nhưng năng lượng lại rất ít.

Mùa hè là thời điểm các mẹ thường chia sẻ với nhau cách nấu nước đỗ đen, cho trẻ uống bột sắn dây… để chống nóng, ăn uống ngon miệng hơn.

Chị Nguyễn Lan Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, mẹo giải nhiệt cho con trong những ngày hè bằng cách ninh nước đỗ đen cho con uống. Sợ con nóng trong, chị Hương còn nấu chè sắn dây để con ăn. Theo chị Hương, nhờ cách ăn này mà chị thấy da dẻ con lúc nào cũng mát. Chị ít khi thấy con quấy khóc do bị mọc rôm sảy.

Cũng như chị Hương, chị Kim Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) phòng tránh rôm sảy cho con bằng cách đun nước nụ hoa tam thất cho con uống. Chị Hạnh tin rằng loại nước này giúp da con mát mẻ, con ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Để con không bị mọc rôm sảy, mẹ đun nước đỗ đen uống trường kỳ

Nước đỗ đen uống nhiều hạn chế hấp thu vi chất ở trẻ, ảnh minh họa.

TS. BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho hay, rất nhiều bậc cha mẹ đang có những sai lầm khi cho con ăn uống trong những ngày nắng nóng như sử dụng nguyên chế độ ăn của người lớn cho con. Thời tiết nắng nóng làm cho mọi người thường thích uống nước và ăn những thức ăn loãng. Cách ăn này khi áp dụng cho trẻ con có thể khiến trẻ thiếu năng lượng lâu ngày dẫn tới suy dinh dưỡng, thấp còi.

"Nhiều bà mẹ do sợ con bị nóng, rôm sảy mọc nên cho uống nước đỗ đen, nấu chè –cháo bột sắn cho con ăn. Tuy nhiên, các bà mẹ phải biết là nước đỗ đen, bột sắn có tính mát nhưng năng lượng lại thấp. Trong nước đỗ đen và bột săn dây có nhiều phytat làm hạn chế hấp thu vi chất khiến trẻ dễ bị thấp còi”, TS. BS Phan Bích Nga nói.

Khi nấu nước chè đỗ đen và bột sắn dây, mẹ thường cho thêm đường vì nghĩ như vậy con sẽ dễ ăn và dễ uống. Tuy nhiên, thói quen cho trẻ ăn ngọt sẽ làm cho trẻ thích ăn đồ ngọt. Hệ lụy của nó có thể dẫn tới béo phì, dễ mắc các bệnh về chuyển hóa.

TS. BS Phan Bích Nga khuyến cáo, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì sữa vẫn là nước uống chính. Trẻ trên một tuổi vẫn cần được uống sữa, các loại nước khác chỉ mang tính chất bổ sung thêm chứ không nên thay thế.

TS. BS Phan Bích Nga nói thêm “Tất cả các loại nước lá đều không có năng lượng vì vậy không thích hợp để cho trẻ uống hàng ngày. Chưa kể một số loại lá có những chất không tốt cho trẻ nhỏ ví dụ trà xanh…”.

Để duy trì cân nặng trong những ngày hè, TS. BS Phan Bích Nga chia sẻ: “Các mẹ nên đa dạng nhiều loại thực phẩm và thay đổi các cách chế biến, ví dụ  kết hợp nhiều loại đạm trứng, thịt, đậu.. các loại rau củ.. nấu ở dạng cháo, súp khoai tây, súp bí đỏ, mì nui… Trường hợp trẻ không thích ăn hỗn hợp có thể cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn, ví dụ trẻ có thể ăn cơm trắng, khoai tây nghiền, ruột bánh mì riêng, ăn thịt, trứng riêng và rau riêng… Trẻ lớn hơn sợ ăn cháo thì có thay đổi mỳ, bún, miến, phở cắt vụn”.

Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), đậu đen có vị ngọt nhạt, tính mát. Có thể dùng nước đỗ đen là thức uống giải nhiệt cho trẻ trong những ngày hè nắng nóng. Lượng dùng tùy theo nhu cầu của trẻ không nên ép trẻ uống quá nhiều.

Nói về nước uống nụ hoa tam thất, Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, theo dược thư cổ, hoa tam thất vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, điều hòa chức năng của tạng can… Nụ hoa tam thất có tác dụng ngủ ngon an thần. Loại nước này chỉ phù hợp với người lớn, trẻ nhỏ tuổi không nên uống thường xuyên.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Du lịch Quy Nhơn: Eo Gió hoang sơ và đẹp ngỡ ngàng

Đọc nhiều nhất