Chọn sinh mổ tưởng không đau nhưng chị em không biết những nguy cơ này với sức khỏe
Tin liên quan
Sinh mổ ảnh hưởng lâu dài?
Sắp tới ngày dự sinh nhưng chị Nguyễn Thị Bích (31 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn đang băn khoăn không biết lựa chọn phương pháp sinh như thế nào. Chị Bích mong muốn được sinh mổ vì sẽ không phải chịu đau đớn dù được bác sĩ giải thích khá cặn kẽ hoàn toàn có thể sinh thường.
Còn chị Bùi Mai Hương (27 tuổi, Định Công, Hà Nội) cương quyết lựa chọn phương pháp sinh mổ vì muốn con sinh vào ngày đẹp giờ đẹp. Theo chị Hương tâm sự, mẹ chồng chị đã nhờ người xem ngày sinh cho con chị. Bé phải sinh đúng ngày đó, giờ đó sau mới dễ nuôi, tài giỏi. Dù muốn sinh thường nhưng không dám cãi lời mẹ nên chị Hương đã đăng ký sinh mổ theo nhu cầu.
Để làm rõ hơn về quan điểm khi nào cần sinh mổ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Nguyễn Huy Bạo, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phó khoa Sản Bệnh viện Quốc tế Vinmec.
Theo TS Bạo, hiện nay rất nhiều người có quan niệm cho rằng, sinh mổ sẽ không đau hay chọn giờ sinh đẹp để con tài giỏi xuất chúng làm gia tăng các ca sinh mổ. Những quan điểm đó là không đúng, hầu hết chỉ do ngộ nhận.
Sinh mổ đau đớn có thể kéo dài tới suốt đời, ảnh minh họa.
Từ xa xưa, loài người vẫn sinh đẻ một cách tự nhiên. Vì vậy, nếu sinh thường sẽ rất tốt. Nhưng để sinh thường được cần có những tiêu chuẩn nhất định như: sức khỏe của mẹ, sức khỏe của thai nhi, trọng lượng thai, ngôi thế của thai, các phần phụ của thai, khung xương chậu của người mẹ.
TS. Bạo cũng khẳng định không có chuyện sinh mổ sẽ không đau. Thậm chí sinh mổ còn đau hơn nhiều so với sinh thường
“Nếu như đau đẻ là cơn đau của sinh lý, sau khi đẻ xong cơn đau sẽ tự hết. Còn đau của mổ đẻ là cái đau của việc cắt thịt da. Đau cắt thịt da sẽ tồn tại lâu hơn so với sinh thường. Nỗi đau này sẽ tồn tại về sau này. Do sau mổ, lớp da bị rạch ra sẽ phải cân cơ. Bụng là nơi chứa các tạng của cơ thể nên áp lực rất lớn. Nếu vết khâu tốt sẽ không sao, nhưng khâu không tốt khi thời tiết thay đổi, có những cử động mạnh, làm gắng sức có thể khiến bị đau”, TS. Bạo giải thích.
Không chỉ phải chịu đau đớn, sinh mổ còn có thể gây những biến chứng sớm ở vết mổ như chảy máu, vết mổ có thể bị nhiễm trùng, bế sản dịch.
TS. Bạo cho hay: “Về lâu dài “cắt thịt" như vậy khiến cho dây thần kinh dưới da bị đứt, người mẹ thỉnh thoảng có thể có cảm giác tê tê bì ì dưới da”. Nguy hiểm nhất là lần mang thai sau có thể rau bám vào sẹo tử cung gây chảy máu dữ dội nguy hiểm cho tính mạng của mẹ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời”.
Tỷ lệ thai bám vào vết sẹo cũ không phải là quá nhiều, chỉ dưới 1% ở những ca sinh mổ. Tuy nhiên, thai bám vào vết sẹo tử cung đang có xu hướng gia tăng do các ca sinh mổ tăng và siêu âm phát triển.
Khi nào nên sinh mổ
Trong trường hợp người mẹ không đủ những điều kiện sinh thường thì mổ để là biện pháp an toàn nhất để đảm bảo cho mẹ và bé.
“Trên thực tế có những trường hợp cố gắng có thể sinh đường dưới được bằng các thủ thuật. Nhưng có những trường hợp phải bắt buộc mổ đẻ. Nếu không mổ có thể gây tử vong cho mẹ và em bé. Ví dụ, trẻ nằm trong bụng mẹ ngôi ngang, ngôi vai, mẹ bị rau tiền đạo, thai quá to, đầu thai quá to”, TS. Bạo nói.
Lợi ích hàng đầu của sinh mổ là đảm bảo cho mẹ và con không thể sinh được đường dưới được. Đó là thành tựu của y học hiện đại.
Bài tiếp theo chuyên gia sẽ tư vấn cách chăm sóc sau mổ để tránh biến chứng và có một vết mổ đẹp.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất