Chế biến không đúng cách, món đặc sản rươi sẽ thành... thuốc độc
Tin liên quan
Đông máu, suýt chết vì ăn rươi
Trong những năm gần đây, Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít rất nhiều ca cấp cứu vì bị ngộ độc rươi. Theo lời bác sĩ, có một bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, khó thở, nôn nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước, máu đặc. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị dị ứng rươi phải nhập viện với những triệu chứng nặng như sưng mặt, môi và lưỡi tê bì, chóng mặt, mất nước cấp... Hầu như các bệnh nhân đều phải nhập viện ngay sau khi ăn các món được chế biến từ rươi khoảng từ 10 phút đến 30 phút.
Rươi vốn là một món ngon, đặc sản chỉ có ở các tỉnh ven biển, có các cửa sông nước lợ như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định... Rươi chỉ xuất hiện vào dịp cuối thu, đầu đông nên là loại thực phẩm thuộc vào loại hiếm và quý. Giá trị dinh dưỡng của loại vật này cũng rất cao, 100g rươi có dinh dưỡng ngang bằng với cả 100g thịt bê non. Bởi vậy mà giá cả rươi rất đắt đỏ, có thể lên đến 500.000 đồng/kg rươi tươi sống. Rươi được các bà nội trợ yêu thích vì có thể chế biến được thành nhiều món ngon và bổ dưỡng như chả rươi, rươi chiên xù, mắm rươi, canh rươi... Tuy nhiên, dù rươi có bổ đến mấy thì cũng nên cẩn trọng khi sử dụng.
Các món ăn từ rươi dù thơm ngon đến mấy nhưng các bà nội trợ nên cẩn trọng khi chế biến và sử dụng.
Theo lương y Quốc Trung, Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cho biết: "Rươi là sinh vật dưới nước nên đạm của chúng giống một số hải sản khác, không giống với đạm thịt bò, thịt lợn mà có chứa histamin gây dị ứng cho người ăn. Ngoài ra, lượng đạm của rươi rất cao nên khi vào cơ thể có thể trở thành dị nguyên và gây phản ứng cho cơ thể. Những người dị ứng với chất này thì có thể bị ngứa, nôn, nặng hơn thì khó thở, sưng tấy, tụt huyết áp. Những người từng bị dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản thì nên tránh ăn. Món này cũng không tốt cho bà bầu và trẻ nhỏ vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu".
Ăn kèm vỏ quýt để không bị ngộ độc
Lương y Quốc Trung cũng cho biết, khi ăn rươi không bao giờ được thiếu vỏ quýt, kể cả người ăn có bị dị ứng với rươi hay không. Bởi vỏ quýt khi được nấu cùng với món rươi sẽ có tác dụng chữa đau bụng, khó tiêu, tính ấm, điều khí, sẽ kiềm hãm và hạn chế những tác dụng phụ của rươi khi vào cơ thể.
Một lý do nữa khiến nhiều người dễ ngộ độc khi ăn rươi là bởi ăn phải rươi đã chết. Rươi rất giàu đạm nhưng lại là nhuyễn thể thân mềm chứa nhiều nước, trong quá trình bảo quản rất dễ vỡ và chết. Khi rươi chết, chất đạm trong rươi sẽ phân hủy và tạo ra độc tố có hại đường ruột, khi ăn vào có thể gây ngộ độc.
Nhiều người có thói quen cho rươi tươi vào đông đá để bảo quản, nhưng rươi là loại thực phẩm nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao nên nếu bảo quản, rã đông không đúng cách thì cũng sẽ nhiễm khuẩn gây độc.
Rươi là loài nhuyễn thể sống dưới đáy bùn nên cần làm sạch sẽ và nấu chín, đặc biệt là không ăn rươi đã chết và có dấu hiệu phân hủy.
Ngoài ra, loài rươi là loài nhuyễn thể nên có rất nhiều chân ở hai bên thân giúp chúng di chuyển, bơi dễ dàng dưới đáy bùn. Vì môi trường sống dưới đáy bùn nên ở những kẽ khớp có thể mang theo vi khuẩn gây hại như Salmonella, E.coli...
Ngoài việc nấu chín rươi khi chế biến thì cũng cần phải loại bỏ chân rươi để tránh gây ngứa cổ, xót bụng khi ăn. Các bà nội trợ có thể khắc phục bằng cách cho rươi vào chậu nước nóng khoảng 40 độ C để chân và lông rươi tự rụng, khi thấy chân và lông nổi lên mặt nước thì có thể vớt ra chế biến.
Món ăn từ rươi ngon và an toàn nếu biết chế biến và sử dụng đúng cách. Nếu bạn chưa ăn rươi bao giờ nên thưởng thức rươi từng tí một, ăn với một lượng nhỏ ban đầu để theo dõi cơ thể có phản ứng hay không. Nếu không có hiện tượng gì thì có thể ăn rươi một cách bình thường như các món ăn khác.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất