Căn bệnh khiến bệnh nhân hoảng hồn khi đi đại tiện do quá đau đớn
Tin liên quan
Không dám đi đại tiện vì quá đau đớn
Nỗi ám ảnh “kinh hoàng” nhất của anh N.N.T (32 tuổi) là phải vào nhà vệ sinh đi đại tiện. Bởi vì, mỗi lần như vậy anh T. cảm thấy rất đau đớn. Ban đầu, anh T. nghĩ do đi phân táo nên đại tiện sẽ đau. Anh T. đã tìm mua một số loại thuốc để giảm đau tạm thời cho vùng hậu môn.
Tuy nhiên, triệu chứng đau sau mỗi lần đại tiện không giảm mà còn kéo dài cả ngày. Điều này khiến cho anh T. rất khó chịu, mệt mỏi ảnh hưởng tới chất lượng sống và công việc.
Nhiều khi muốn đi đại tiện mà anh T. không dám đi vì sợ đau đớn kéo dài cả ngày. Khi anh T. đi đại tiện ra máu tươi, lúc này anh mới hốt hoảng đi khám vì lo sợ mắc bệnh ung thư.
Kết quả khám chuyên khoa cho thấy anh T. chỉ bị nứt kẽ hậu môn. Với căn bệnh này, anh T. chỉ cần điều trị nội khoa, thay đổi chế độ ăn uống mà chưa cần thiết can thiệp phẫu thuật. Nhưng anh T. vẫn rất băn khoăn những tổn thương nứt kẽ vùng hậu môn có chuyển thành ung thư hay không.
Với bênh nhân bị nứt kẽ hậu môn, mỗi lần đại tiện thường rất đau đớn và kéo dài, ảnh minh họa.
Theo GS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, nứt kẽ hậu môn không gây ra ung thư. Ung thư là sự xuất hiện của các tế bào bất thường, nhưng khi bệnh nhân có những triệu chứng đại tiện đau ra máu cần phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả loại trừ nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nứt kẽ hậu môn hay còn gọi nứt hậu môn là căn bệnh của tiêu hóa. Do ống hậu môn có vết rách gây đau, chảy máu khi đại tiện. Thông thường bệnh nứt kẽ hậu môn thường đi cùng với bệnh trĩ.
“Triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn là đại tiện sẽ rất đau và đau sẽ kéo dài. Có những trường hợp bệnh nhân đau tới một ngày sau đại tiện. Do đó, bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn thường rất sợ và không dám đi đại tiện vì đau”, GS. Nhâm nói.
Bệnh điều trị có khó không?
GS. Nhâm cho hay nguyên nhân gây ra bệnh nứt kẽ hậu môn hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh như chấn thường vùng ống hậu môn; hậu môn bị giãn quá căng khi đại tiện (táo bón kéo dài); người có cơ vòng hậu môn chặt; một số viêm nhiễm vùng hậu môn…
Điều trị nứt kẽ hậu môn không khó và không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, sau điều trị bệnh nhân cần phải thay đổi chế độ ăn để tránh nguy cơ bệnh tái phát.
Nếu bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cấp sẽ điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn (uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ) giúp phân mềm. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc đặt chống viêm giúp nhanh liền vết thương, làm dịu và lỏng cơ thắt hậu môn.
Bệnh nhân nứt kẽ mãn tính, thường điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát và phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
GS. Nhâm khuyến cáo nứt kẽ hậu môn thường rất dễ tái phát khi bệnh nhân đi phân rắn, chấn thương khác. Sau khi hết đau, cần phải duy trì chế độ ăn và sinh hoạt tránh bị táo bón. Khi bệnh tái phát cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
Để phát hiện bệnh nứt kẽ hậu môn sớm bệnh nhân khi thấy có những bất thường đại tiện đau, có máu cần phải đi khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng lầm sàng và nội soi đại tràng để loại trừ bệnh tiêu hóa khác.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất