Bị bọ xít hút máu đốt có thể sốc phản vệ

Bị bọ xít hút máu đốt có thể sốc phản vệ

2014-10-16 14:40
- (Em đẹp) - Nếu bị bọ xít hút máu đốt, trường hợp dị ứng quá nặng do cơ thể mẫn cảm có thể bị sốc phản vệ.
Có dấu hiệu quay lại nhiều

Sau thông tin một phụ nữ Hà Nội đã phải nhập viện vì bị dị ứng do bọ xít hút máu đốt, không ít người dân tỏ ra hoang mang và lo lắng. Hồi cuối tháng 9, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một trường hợp đầu tiên bị dị ứng do bọ xít hút máu đốt. Bệnh nhân nữ (37 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nổi ban đỏ, ngứa toàn thân kèm theo nhịp tim tăng sau khi phát hiện côn trùng lạ đốt ở chân. Ngay sau đó, bệnh nhân được xác định bị mày đay cấp do bọ xít đốt và nhận được chỉ định dùng thuốc, xuất viện cùng ngày.

Bọ xít hút máu

Bọ xít hút máu là loại côn trùng được phát hiện nhiều tại Việt Nam trong thời gian qua và ghi nhận ở nhiều địa phương trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Tp. HCM... Loài côn trùng này sống bằng máu người hoặc máu động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Mùa hè là thời điểm vào mùa sinh trưởng của chúng. Chúng thường phát tán vào nhà, ẩn nấp trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Ban ngày chúng lẩn trốn, ban đêm ra hút máu người hay gia súc.

"Bọ xít hút máu chích vào da và tiết ra một chất làm máu không đông giống như muỗi đốt. Mặt khác, chất do loại bọ xít này tiết ra có thể gây dị ứng với nhiều mức độ khác nhau cho người bị đốt. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà có phản ứng khác nhau khi bị bọ xít hút máu đốt.

Nhiều người sau khi bị bọ xít đốt sẽ bị dị ứng nhẹ, gây sưng tấy, ngứa ngáy và sốt cao nhưng chỉ 1-2 ngày là khỏi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nặng, quá nhạy cảm nên khi bọ xít đốt có thể gây ra phản ứng mạnh, thậm chí là nguy cơ bị sốc phản vệ dẫn đến phù nề, khó thở, hạ huyết áp… Nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng"
, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay.

Lý giải về nguyên nhân bọ xít hút máu bắt đầu phát tán nhiều ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hạnh, phòng côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết: "Trước đây, thời gian phát tán trong ba tháng: 6, 7, 8 nhưng nay kéo dài đến tháng 9. Bọ xít hút máu ưa thời tiết nóng, ẩm. Năm nay, mùa đông kết thúc sớm, nhiệt độ tăng cao, mưa nhiều. Đây là điều kiện sống lý tưởng của bọ xít hút máu. Vòng đời của bọ xít hút máu thường từ 1 năm đến 1 năm rưỡi, tùy vào điều kiện sống (nhiệt độ, thức ăn, độ ẩm…). Và tháng 4, tháng 5 là khoảng thời gian chúng sinh sản nên thời gian này chúng phát tán nhiều, tăng mạnh về số lượng".

Nhận biết và phòng tránh

Bọ xít hút máu có vòi cong, không dính sát đầu, sắc tương tự ong hay muỗi. Cơ thể to và dẹt, có màu nâu, không phát mùi hôi như những loài bọ xít thông thường. Chúng có chiều dài từ khoảng 1 - 3,5cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành. Ở phần bụng rộng và dẹp; đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loài này di chuyển chủ yếu là bò.

Khi phát tán vào các hộ gia đình, bọ xít hút máu tìm cách ẩn nấp, sau đó tìm đến khu vực giường ngủ và tấn công, vì thế rất khó phát hiện. Có người từng nghĩ ra cách lấy máu sống để dụ. Tuy nhiên, loài bọ xít này chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của vật chủ và hút máu khi vật chủ nằm yên.

Bọ xít hút máu trưởng thành thường đi theo đôi, một đực một cái. Nếu trong nhà phát hiện thấy một cá thể bọ xít hút máu thì rất có thể còn một cá thể khác. Trường hợp phát hiện trong nhà có cá thể bọ xít hút máu chưa trưởng thành lại có thể tồn tại một ổ bọ xít khu vực gần nhà.

Các vết đốt của bọ xít sau khi hút máu người có biểu hiện rất khác nhau. Một người bị đốt có thể có nhiều vết đốt do một hoặc nhiều cá thể bọ xít hút máu gây ra. Các vết đốt có thể tách rời hoặc rất gần nhau. Thông thường, vết đốt bị rách nhỏ trên bề mặt, có màu đỏ rất dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau.

Vết đỏ do bọ xít hút máu gây ra.

Sau khi bị bọ xít đốt và hút máu thì tại các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt (nhất là trẻ em). Trong nhiều trường hợp vết đốt ở chân hoặc tay có thể dẫn tới hiện tượng không cử động được do vết đốt sưng to và phù nề rộng. Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân.

Bác sĩ Khánh cho biết: "Khi phát hiện bị bọ xít đốt, việc cần làm đầu tiên là nặn máu ngay vị trí bị đốt và rửa sạch bằng nước, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Đặc biệt, không gãi tại vết đốt vì có thể gây nên vết thương hở da, bội nhiễm".

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng này nên việc phòng ngừa bọ xít hút máu đốt là điều quan trọng. Chính vì vậy, để diệt loại bọ xít "hút máu người" này, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể sử dụng các loại hóa chất dùng trong y tế. Khi phát hiện bọ xít này thì dùng kẹp hoặc dùi sắt giết chết. Đặc biệt nên chú ý đến trứng để diệt tận gốc bằng cách thu lại cho vào túi và thiêu hủy chúng.

Người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở để diệt trừ những nơi trú ẩn của những loài côn trùng này. Loại bỏ những vật dụng bị mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng. Đặc biệt, thiết thực nhất là ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không chui vào màn đốt.

Ngoài ra, khi phát hiện cơ thể có các phản ứng lạ như nổi mẩn toàn thân, khó thở, mệt, vết thương bị phù nề… do côn trùng lạ đốt cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng. Tuỳ mức độ tổn thương sẽ chữa trị khác nhau nhằm hạn chế biến chứng xấu do nọc độc côn trùng gây ra.
Hiền Anh
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thích thú trước nghệ thuật 'làm đẹp' cho sushi

Đọc nhiều nhất