Ăn mộc nhĩ ngâm nước lâu có thể ngộ độc
Tin liên quan
Bị hôn mê sâu do chế biến mộc nhĩ sai cách
Mới đây, một người phụ nữ tên Tất Tuyết, người Liêu Ninh, Trung Quốc đã bị hôn mê sâu do mắc phải Hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan (Multiple Organ Dysfunction Syndrome: MODS) khiến gan, thận, tim đều bị tổn thương, toàn thân vàng vọt, sốc nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghiêm trọng của Tất Tuyết được xác định là do ăn mộc nhĩ ngâm nước gần 2 ngày. Thông tin ăn mộc nhĩ không đúng cách có nguy cơ ngộ độc cao đã khiến cho rất nhiều bà nội trợ Việt Nam lo sợ. Một số chị em đã quyết định không dùng mộc nhĩ trong chế biến món ăn để tránh ngộ độc.
Chị Nguyễn Thị Sáu, ở Ứng Hòa, Hà Nội cho biết sau khi đọc thông tin một phụ nữ Trung Quốc ăn mộc nhĩ sai cách phải nhập viện chị cũng ít sử dụng thực phẩm này khi nấu ăn. Theo chị Sáu, do nhà hiện nay toàn trẻ nhỏ và người già sợ chế biến sai cách có thể bị ngộ độc như trường hợp xảy ra với bệnh nhân Tất Tuyết.
Ngâm mộc nhĩ lâu ngày trong nước dễ sinh ra độc tố, ảnh minh họa.
Để biết về tính an toàn của mộc nhĩ, phóng viên đã nhờ tới sự tư vấn của chuyên gia nghiên cứu về nấm là PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Nguyên giảng viên bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính: “Mộc nhĩ đen thực chất là một loại nấm mọc trên thân gỗ mục có hình dạng giống như tai người, có phủ một lớp lông mịn. Mộc nhĩ đen còn có tên gọi khác là nấm mèo và có tên khoa học là Auricularia auricula-judae. Mộc nhĩ là loại nấm không độc, ăn được và chế biến thức ăn rất bổ dưỡng”.
“Trường hợp người phụ nữ Trung Quốc phải nhập viện do ăn phải mộc nhĩ ngâm nước quá lâu có thể xảy ra. Do mộc nhĩ ngâm nước lâu bị biến chất, khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn. Ăn phải mộc nhĩ nhiễm khuẩn nguy cơ ngộ độc là rất lớn. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể phải nhập viện cấp cứu”, PGS.TS Nguyễn Thị Chính nói.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cũng cho biết thêm: “Mộc nhĩ là thực phẩm không gây ngộ độc. Đây cũng là một sản phẩm rất giàu dinh dưỡng, trong 100g mộc nhĩ có chứa: 10,6 g Protein; 0,2g lipid; 65,5g glucid; 201g calci; 185mg phospho; 185mg sắt; 10,03mg caroten; 0,15mg vitamin B1; 0,55mg vitamin B2; 2,7mg vitamin PP…. Do mộc nhĩ giàu chất đạm, nếu ngâm nước lâu ngày có thể làm cho chất đạm bị thủy phân, gây thối rữa cũng giống như thịt để lâu bị thối. Lúc này mộc nhĩ sẽ sinh ra các chất gây hại cho cơ thể. Khi dùng mộc nhĩ này chế biến thì người ăn dễ bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng”.
Ăn mộc nhĩ như thế nào là an toàn?
PGS.TS Nguyễn Thị Chính khuyến cáo: “Do mộc nhĩ cũng là một loại nấm nên khi sử dụng cũng phải thận trọng, tránh nguy cơ bị dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng, trẻ nhỏ, người mang thai... Đặc biệt không sử dụng mộc nhĩ tươi vì nó có chứa chất porphyrin. Đây là một chất nhạy cảm với ánh sáng, dễ gây viêm da, ngứa, phù nề, đau nhức, ở mức độ nặng có thể khó thở do phù nề thanh quản. Để an toàn cho sức khỏe chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh từ 15-20 phút, rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến”.
Trong Đông y, mộc nhĩ được nhắc tới như là một bài thuốc hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình Bùi Hồng Minh thì cho hay: “Mộc nhĩ trong y học cổ truyền có vị ngọt, tính bình, đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, can, thận. Tác dụng làm mát máu, làm ngừng chảy máu do va đập, bị thương, lương huyết chỉ huyết, hoạt huyết nhuận táo, giải độc, ích khí dưỡng âm. Nó có thể chữa trị các bệnh trường phong hạ huyết, nhuận táo, lợi trường vị, lỵ ra máu, đái dắt, đái ra máu, trị lở, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết”.
Do mộc nhĩ có tính hàn, bổ âm nên người đi ngoài phân lỏng, người hay bị đầy bụng, người nhiễm hàn… không nên ăn mộc nhĩ để tránh trường hợp bệnh sẽ nặng thêm.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất