Một đời an nhiên bắt nguồn từ lối suy nghĩ tích cực: Bạn có phải người có khả năng sống thảnh thơi, vui vẻ không?
Tin liên quan
Chúng ta luôn biết rằng suy nghĩ tiêu cực là một phần của cuộc sống. "Suy nghĩ tiêu cực" như hai mặt của đồng xu, chỉ là nó đen tối đến mức nào và chúng ta có sẵn sàng loại bỏ khỏi tâm trí để đắm mình trong những khoảnh khắc tuyệt vời mà cuộc đời trao tặng.
Mới đây, cộng đồng mạng cảm phục trước hình ảnh người hùng - Nguyễn Ngọc Mạnh (30 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) với hành động tử tế cứu sống một bé gái rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội. Sau khi sự việc được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dân mạng. Nhiều người gọi anh với biệt danh "siêu nhân không mặc áo choàng". Một số bình luận đã chia sẻ cảm xúc thở phào nhẹ nhõm khi bé gái được cứu một cách ngoạn mục, có bình luận cảm tạ sự dũng cảm của anh Mạnh, người hùng đời thực đã cứu đứa bé.
Mặt khác, cư dân mạng cực kỳ phẫn nộ khi một nam thanh niên cho rằng hành động của anh Mạnh... chẳng có gì to tát. Cụ thể, Facebooker có tên N.P đã bình luận quan điểm "khác người": "Gớm, có gì to tát mà anh này nổi tiếng quá, làm loạn cả Facebook. Chẳng qua bé gái rơi xuống đã chạm vào mái tôn rồi anh ta mới túm được bé. Thử hỏi bé nặng 20 kg rơi từ tầng 13 xuống thì khi tiếp đất có trọng lực ít nhất 1 tấn, có dám đỡ không?".
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy, chỉ bằng suy nghĩ của chính mình, bản thân mỗi người sẽ tạo ra tiếng nói nội tâm khác nhau. Nhiều người đồng cảm với hành động nhân văn của anh Mạnh và lan tỏa thông tin tích cực. Bên cạnh đó, khi một bộ phận nhỏ đắm chìm với lằn ranh tối mịt, tâm trí họ bộc phát những suy nghĩ tiêu cực và phản ứng ra thế giới quan bên ngoài bằng hành động "cào phím" với ngôn ngữ gây tranh cãi…
Photo: ANBECKS
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ tâm lý học xã hội Ethan Kross (Đại học Michigan, Mỹ) trong quyển sách "Trò chuyện với chính mình" (Chatter) chỉ ra rằng, ở bề nổi, Facebook và mạng xã hội đơn thuần tạo ra một môi trường sinh hoạt mới của con người. Khi đăng nhập vào Facebook, dòng chữ đầu tiên đề nghị ta với câu hỏi: "Bạn đang nghĩ gì?". Và chúng ta chẳng ngần ngại trả lời câu hỏi đó. Mạng xã hội - nền tảng để chúng ta chia sẻ tiếng nói nội tâm của mình và lắng nghe tiếng nói nội tâm của người khác.
Tuy nhiên, nhờ vào sự kết nối của thế kỷ 21, khi những cảm xúc nội tại dâng trào đang ở đỉnh điểm, chúng ta đăng và bình luận tất cả những cảm xúc đó lên mạng xã hội. Một mặt, nó giúp ta kết nối tạo sự đồng cảm, thấu hiểu, mặt trái, nó có thể dẫn đến những xung đột, thù nghịch và suy nghĩ tiêu cực cho cá nhân lẫn cộng đồng… Điều kỳ diệu của tâm trí
Những dẫn chứng trên sẽ giúp chúng ta khám phá điều kỳ diệu từ tâm trí con người: Tiếng nói từ nội tâm. Nếu như, chúng ta thực hiện những hoạt động bằng ý thức thông qua những biểu hiện cụ thể như: Một nụ cười nở trên môi, cái ôm ghì, cử chỉ bước đi, điệu bộ đứng dậy cho đến dáng ngồi… Thì song song đó, tiềm thức tồn tại một cách "âm thầm" bên dưới vỏ bọc những ý thức thông thường của con người, giống như phần chìm của tảng băng trôi.
Chúng ta có để ý, chẳng hạn, mỗi ngày, chúng ta không phải dụng công suy nghĩ cho những việc như lái xe đến cơ quan, pha một tách cà phê vào buổi sáng. Hay giờ tan ca, trên đường đi về, nếu ta gặp chuyện gì khó chịu thì tâm trạng hôm đó sẽ xấu đi. Dù trong đầu cố nghĩ chuyện đằng nào cũng xảy ra rồi nhưng trong lòng vẫn cảm thấy bực bội… Tại sao lại như vậy? Đó là vì tiềm thức, tiếng nói từ nội tâm chúng ta đang "cầm vô-lăng" điều khiển mọi thứ.
Trong quyển sách "Trò chuyện với chính mình" (Chatter) của Tiến sĩ tâm lý học Ethan Kross, có viết, tâm trí con người là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của quá trình tiến hóa, không chỉ nó giúp giống loài ta tồn tại và phát triển mà vì còn tiếng nói nội tâm vừa giúp ta tận hưởng nhưng giây phút đẹp đẽ nhất, vừa giúp ta hiểu được sâu sắc những nỗi đau tất yếu của cuộc sống.
Tiếng nói nội tâm như một bản phổ nhạc có nốt thăng nốt trầm, có suy nghĩ tiêu cực lẫn tích cực… Vậy làm sao chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc cân bằng trong vòng xoáy giữa suy nghĩ tiêu cực và suy nghĩ sáng suốt (tích cực)? Và liệu có phải suy nghĩ tiêu cực cũng là một món quà, giúp con người chiêm nghiệm nỗi đau tinh thần để trưởng thành hơn? Vậy phải làm gì để điều khiển tiếng nói nội tâm biết lắng nghe, trò chuyện với chính mình để có thể tìm thấy bình yên giữa cuộc sống đầy biến động?
Trở thành những người thợ cơ khí tự chữa lành tâm hồn
Vốn dĩ cuộc sống luôn đẩy ta vào nhiều vấn đề, biến cố khiến tâm trí đôi lúc bị lạc lối, chìm đắm trong sợ hãi, âu lo, bất an… Thậm chí, chúng ta cảm thấy cô đơn, buồn bã… mặc dù ta sống chung với những người thân luôn dành tình yêu thương cho ta… Tại sao vậy? Vì chúng ta chưa có kỹ năng kiểm soát cảm xúc tâm hồn… Nhưng cho dù bạn có suy nghĩ tiêu cực đến thế nào thì thái độ của ta đối diện với nó mới là điều quan trọng. Trải qua những điều tồi tệ, nỗi đau tổn thưởng không đáng sợ bằng việc nhiều người coi là là điều phải chấp nhận trong cuộc sống hiện đại, để nó "trôi dạt" tới đâu thì tới đó. Khi niềm tin lớn hơn nỗi sợ, thách thức sẽ biến thành cơ hội, tâm bất an bỗng hóa thinh không.
Cũng theo Tiến sĩ tâm lý học Ethan Kross, nếu bạn bị sốt, bạn có thể uống thuốc hạ sốt. Cũng như vậy, tâm trí ta có một một hệ miễn dịch tinh thần. Ta có thể dùng chính tâm trí mình để chuyển đổi suy nghĩ tiêu cực thành tích cực, chữa lành những tổn thương trong tâm hồn…
Có phải, hạnh phúc là đích đến mà bạn mong muốn đạt được. Suy nghĩ về hạnh phúc thôi chưa đủ… Những giá trị tốt đẹp mà bạn mong cầu như gieo một hạt giống, bạn cần phải liên tục chăm bón cho chúng bằng những hoạt động lành mạnh để chờ ngày "đơm hoa kết trái". Để giúp bạn tìm về giá trị sống tích cực, đời hết bực, mời bạn tham khảo thực hành những phương pháp nho nhỏ để cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Sử dụng độc thoại tạo khoảng cách
Một phương pháp tạo khoảng cách với suy nghĩ luẩn quẩn là dùng ngôn ngữ. Khi bạn có một trải nghiệm khó khăn, bạn hãy dùng tên mình và đại từ ngôi thứ hai ("bạn") để nói về mình. Chẳng hạn, khi bước vào kỳ thi hay cuộc phòng vấn, bạn có thể tự động viên bằng bằng cách gọi thầm tên mình: "Cố lên, A ơi! Bạn sẽ làm được mà…!" Làm thế sẽ giúp giảm hoạt động thần kinh liên quan đến sự ưu tư trăn trở, ít cảm xúc tiêu cực hơn…
Ghi chép một cách diễn cảm
Hãy viết ra những suy nghĩ và cảm giác thầm kín nhất về trải nghiệm tiêu cực của bạn trong khoảng 15 - 20 phút mỗi ngày, từ một đến ba ngày liên tiếp. Hãy cứ viết tự do thoải mái theo từng dòng tư duy của bạn và đừng để tâm nhiều đến ngữ pháp hay chính tả. Tập trung vào trải nghiệm của mình từ quan điểm của người kể chuyện giúp tạo khoảng cách tâm lý và tạo ra những hiểu biết có khả năng trị liệu rất lớn.
Chủ động tìm đến sự xúc chạm thân tình
Bạn không cần đợi ai đó mang lại cho mình sự xúc chạm âu yếm khi gặp khó khăn. Bạn có thể chủ động nhờ một người thân ôm chầm lấy hoặc nắm tay mình. Hơn nữ, bạn thậm chí có thể không cần đến một người nào đó, chỉ cần ôm lấy một vật mềm mại như gấu bông hoặc tấm chăn cũng có tác dụng tương tự
Hạn chế tối đa sử dụng mạng xã hội một cách thụ động
Lang thang trên Facebooks, Instagram và những mạng xã hội khác có thể kích hoạt những dòng xoáy của suy nghĩ ghen tị và mặc cảm tự ti. Vì thế, bạn nên hạn chế sử dụng mạng xã hội một cách thụ động. Hãy chủ động chúng để kết nối với mọi người khi thật sự cần thiết. Ngắt kết nối để kết nối nhiều hơn với con người đời thực.
Tiếp xúc nhiều hơn với không gian xanh
Dành thời gian ở nơi có không gian xanh giúp tái tạo kho dự trữ năng lượng thần kinh và giúp bạn xử lý suy nghĩ tiêu cực tốt hơn. Vì thế, khi vướng phải suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy đi dạo ở một con đường hoặc một công viên rợp bóng.
Nếu không thể làm điều đó, ít nhất bạn dành thời gian xem một đoạn phim về thế giới tự nhiên hoặc lắng nghe một âm thanh thiên nhiên nào đó trên máy tính. Lý tưởng nhất là bạn có thể sắp xếp không gian sống và làm việc sao cho mình được tiếp xúc với nhiều mảng xanh nhất. Cây cối và cỏ xanh dường như là một thứ vitamin tinh thần giúp con người xử lý căng thăng tốt hơn.
Những phương pháp trên được đúc kết từ những công trình nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ tâm lý học Ethan Kross, bàn luận chi tiết trong quyển sách "Trò chuyện với chính mình". Thoạt nghe có vẻ rất giáo điều đúng không? Nhưng thực sự, bạn hãy dừng lại trong một giây phút ngắn ngủi, thực hành thử một vài điều nho nhỏ để chế phục những cảm xúc tiêu cực, kiểu nói lời tạm biệt "buồn ơi, ta xin chào mi..!
Bằng hàng loạt các luận cứ, dẫn chứng chi tiết, trong "Trò chuyện với chính mình", Ethan Kross tinh tế đi sâu vào bóc tách để độc giả hiểu rõ sức mạnh tiềm thứccon người. Ethan Kross mời gọi người đọc quán sát "tìm vào bên trong", chiêm nghiệm lại những thử thách, khó khăn, biến cố… Từ đó, tác giả chỉ dẫn rõ ràng các phương pháp kiểm soát cảm xúc để chữa lành tâm hồn. Độc giả sẽ lần lượt đi qua nhiều học thuyết tâm lý học: nhà tâm lý học Sigmund Freud (Phân tâm học), hai nhà tâm lý học Stephanie Carlson & Rachel White (Hiệu ứng Người dơi - Batman effect), nhóm tâm lý học Craig Anderson (ĐH California) với nghiên cứu cảm giác thán phục (awe)…
Hơn thế, điểm cuốn hút của quyển sách đó là, dù Ethan Kross là một nhà tâm lý học với học vị cao, kinh qua nhiều nghiên cứu trị liệu tinh thần… nhưng chính ông phải đối mặt với suy nghĩ tiêu cực từ một lá thư nặc danh de đọa… Điều đó cho chúng ta thấy rằng, cuộc sống luôn phát triển và chỉ cần một thay đổi nhỏ từ cuộc sống cũng khiến chúng ta dễ tổn thương về tinh thần… Ethan Kross chỉ ra rằng, tâm trạng của bạn được quyết định không phải bởi những gì bạn làm mà bởi những gì bạn nghĩ. Vì thế, trước những nỗi buồn, suy nghĩ luẩn quẩn, chỉ cần chúng ta thay đổi nhẹ cách nghĩ thôi là đã tạo ra được hiệu quả trong tâm hồn.
Và điều tôi nhận ra, khi đặt bút viết chia sẻ thông điệp tích cực từ quyển sách "Trò chuyện với chính mình", tôi đang vướng phải nỗi sợ viết (writer block). Điều đó khiến tôi không thể viết ra bất cứ thứ gì cho ra hồn và không biết bắt đầu ý tưởng từ đâu… Tôi thiết nghĩ, nỗi sợ viết hay bất kỳ nỗi sợ nào sẽ đến, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ phải chịu đựng và mặc kệ không giải quyết. Và tôi được những người bạn động viên và bắt đầu viết nên những chia sẻ chân thật mà bản thân suy nghĩ… Và kết cục, bản thảo hoàn thiện và tôi tìm được niềm vui. Có lẽ, những khoảnh khắc tuyệt vời nhất thường sẽ đến khi chúng ta dựa vào tiếng nói nội tâm và tự trấn an rằng: "Hãy cố gắng lên, mọi thứ rồi sẽ ổn!".
Cuộc sống lo toan cơm, áo, gạo tiền khiến chúng ta vội vã chạy theo những giá trị trào lưu vật chất bề ngoài, định vị bản thân trong sự so sánh thiệt hơn. Trước mắt ta luôn là những người giỏi hơn, thành công hơn, xinh đẹp và may mắn hơn… Hãy sống chậm lại, bạn sẽ cảm nhận được rằng, có những khoảnh khắc nhỏ bé, đời thường quá đỗi quen thuộc: Đọc một quyển sách, nghe một bản nhạc, nhâm nhi tách cà phê với bạn bè, cảm nhận vẻ đẹp của cái cây, hoặc đi dạo với cún cưng… cũng mang đến cho ta niềm hạnh phúc.
Tóm lại, tôi xin mượn một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đoạn viết: " Mỗi vết thương lành, một nỗi vui " (Vẫn có em bên đời). Cuộc sống đôi lúc chông chênh, đầy thử thách, chúng ta chắc chắn vẫn sẽ gặp phải nhiều trở ngại, nhưng nếu chúng ta quyết tâm làm mới bản thân mình, chúng ta sẽ có niềm tin vững chắc về nội lực tự thân, từ đó có thể vượt qua thử thách một cách bình an. Quan trọng nhất, sau mỗi biến cố từ nghịch cảnh, chúng ta sẽ bắt đầu được chữa lành. Lành đến đâu, ta vui đến đấy. Mỗi vết sẹo là một câu chuyện để nhắc nhớ ta sống tốt hơn, lạc quan hơn. Chúng ta sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc và bình an sâu thẳm trong tâm hồn. "Những người bị tổn thương là những người trưởng thành hơn" (bộ phim Split - Tách Biệt). Và hơn hết, "Trò chuyện với chính mình" (Chatter) sẽ gợi mở cho bạn có cái nhìn mới mẻ về bản thân mình, kiểm soát cảm xúc thông qua tiếng nói nội tâm để cuộc đời trọn vẹn với những niềm vui…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một số dẫn chứng về lĩnh vực tâm lý học được rút ra từ quyển sách "Trò chuyện với chính mình" (Chatter - Ethan Kross)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất