6 sự thật thời trang bất ngờ trong phim "Yêu nữ mặc hàng hiệu"
2016-03-09 07:00
- Bộ phim đình đám về giới thời trang còn ẩn chứa rất nhiều điều khiến cho các fashionista phải tò mò.
Tin liên quan
Nhắc tới những bộ phim nổi bật về thời trang, có lẽ không ai có thể bỏ qua “Yêu nữ mặc hàng hiệu” - một bộ phim khiến cho người xem phải mãn nhãn về gu ăn mặc quá sành điệu, thậm chí đã 10 năm trôi qua mà khi xem lại, những trang phục trong phim vẫn chưa hề bị coi là lỗi mốt. Mới đây, người phụ trách phục trang cho bộ phim đã tiết lộ nhiều thông tin bất ngờ về quá trình xây dựng hình tượng cho các nhân vật trong phim, và chắc chắn đó sẽ là những kiến thức mà các tín đồ thời trang không thể bỏ qua.
1. Diện mạo của nhân vật Miranda Priestley được lấy cảm hứng từ ai?
(Ảnh: fashiongonerogue)
Nhiều người vẫn cho rằng, hình tượng nữ Tổng biên tập Miranda Priestley được lấy cảm hứng từ Anna Wintour – Tổng biên tập nổi tiếng của tạp chí Vogue. Tuy nhiên, diện mạo của Miranda trong phim lại được lấy cảm hứng từ Liz Tilberis – Tổng biên tập quá cố của tạp chí Harper's Bazaar. Đây là quyết định của bản thân nữ diễn viên Meryl Streep cùng với sự bàn bạc của chuyên gia trang điểm và NTK trang phục trong phim.
2. Meryl Streep tự quyết định nhuộm tóc bạch kim, tạo thành “kim chỉ nam” cho việc lựa chọn phong cách thời trang xuyên suốt
(Ảnh: glamour)
Quyết định của Meryl Streep có thế được coi là cực kỳ táo bạo, bởi lẽ, một mái tóc bạc trắng có thể khiến cho diện mạo của nhân vật thêm già nua. Thế nhưng, rõ ràng, khán giả càng trở nên ấn tượng hơn với mái tóc này của Miranda Priestley, một mái tóc quá cá tính, thậm chí còn khắc họa rõ nét hơn sự ghê gớm của “yêu nữ”. Cũng chính từ quyết định thay đổi diện mạo này, việc lựa chọn trang phục cho nhân vật Miranda cũng dễ dàng hơn, bởi màu tóc trắng bạch kim giống như một tấm phông nền hoàn hảo để tôn vinh bất cứ màu sắc và chất liệu nào.
3. “Hàng hiệu” mà “yêu nữ” mặc trong phim là của hãng nào?
(Ảnh: fanpop)
Tên gốc của cuốn tiểu thuyết cũng như của bộ phim trong tiếng Anh là “The Devil Wears Prada”, nhưng trong phim thì Miranda không chuộng đồ Prada, mà đa phần đều mặc đồ của NTK Donna Karan. Bản thân stylist của phim không muốn nhân vật Miranda ăn mặc đụng hàng với bất cứ ai ở thời điểm đó, thế nên bà không muốn chọn những thiết kế đã quen mắt, ví dụ như những mẫu váy của Dolce &Gabbana mới ra mắt từ mùa trước, hay mẫu áo khoác của Versace đang thịnh hành thời điểm đó. Trái lại, đoàn phim đã tìm đến kho lưu trữ của NTK Donna Karan, tìm kiếm những trang phục bó sát từ thập niên 80 và 90 để tạo ra sự khác biệt và cũng là hình ảnh riêng đặc trưng cho phong cách của Miranda Priestley. Như vậy, có thể thấy rằng, bản thân nhân vật Miranda Priestley đã có bản lĩnh thời trang tuyệt vời đến mức dù mặc đồ cũ hàng chục năm và vẫn có phong thái dẫn đầu xu hướng.
4. Cảnh phim “yêu nữ” ném áo và túi xách lên bàn làm việc vốn không có trong kịch bản gốc
(Ảnh: wallpaperfromthe70s)
Những người đã xem phim “Yêu nữ mặc hàng hiệu” hẳn không bao giờ có thể quên phân cảnh khi Tổng biên tập Miranda Priestley lạnh lùng ném áo khoác và túi xách của mình lên bàn làm việc của cô trợ lý tội nghiệp. Thực chất, cảnh này không có trong kịch bản gốc, nhưng sau khi đạo diễn của bộ phim đến tham dự Tuần lễ thời trang Haute Couture tại Paris, ông đã có thêm cảm hứng để bổ sung cảnh này, với mục đích khoe ra BST áo khoác hàng hiệu đỉnh cao của Miranda. Và thế là đội ngũ phụ trách phục trang cũng đã phải chi thêm tiền để kiếm thêm tới hàng chục chiếc áo khoác nữa.
5. Đây là bộ phim đem “ánh sáng thời trang” đến cho Anne Hathaway
(Ảnh: fanpop)
“Yêu nữ mặc hàng hiệu” là một trong những bộ phim giúp đưa Anne Hathaway đến với đỉnh cao sự nghiệp của một diễn viên hạng A. Trước đó, cô vẫn chỉ được biết đến với hình tượng ngây thơ từ loạt phim “Nhật ký công chúa”. Cho đến khi đóng vai chính trong “Yêu nữ mặc hàng hiệu”, Anne mới bắt đầu thực sự có cái nhìn nghiêm túc đối với thời trang cao cấp, và góp phần định hình gu ăn mặc của cô cho đến tận ngày nay.
6. Chanel đã tài trợ rất nhiều cho bộ phim
(Ảnh: novapopp)
Có lẽ, cảnh phim khi nhân vật Andy của Anne Hathaway được lột xác từ cô gái luộm thuộm sang một cô nàng ăn mặc sành điệu, hấp dẫn chính là một trong những hình ảnh được khán giả nữ ngưỡng mộ nhất, luôn là nguồn cảm hứng lớn cho mọi công cuộc “make over” sau này. Đa phần các trang phục, phụ kiện tạo ra diện mạo sành điệu này của Andy chính là của hãng Chanel, và đó chính là khi người ta nhận ra tầm quan trọng của Chanel trong việc tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ. Vào thời điểm làm phim, hãng Chanel cũng rất muốn mở rộng thị trường, hướng tới người tiêu dùng là những cô gái trẻ tuổi, vì vậy mà thương hiệu này đã rất nhiệt tình cho mượn đồ để quảng bá trong phim.
Eve Nguyễn (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chẳng cô gái nào ngốc nghếch cứ thương mãi một người chắng sợ mất mình