Tự ý mua thuốc phơi nhiễm HIV về điều trị, tự 'chuốc hại' cho cơ thể
Tin liên quan
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV
Theo các chuyên gia y tế, khi dẫm phải kim tiêm và bị dao lam rạch, nguy cơ lây nhiễm HIV rất thấp. Số ca bị nhiễm HIV trong các trường hợp này chỉ chiếm khoảng 0,3%. Thế nhưng vẫn có những trường hợp tỏ ra lo lắng, hoảng sợ khi dẫm phải kim tiêm.
Vô tình dẫm phải kim tiêm trong một lần đi tham gia lớp học ngoại khóa, Thu (17 tuổi, Hà Nội) mất ăn, mất ngủ gần 1 tuần liền.
Mặc dù, Thu đã được các bác sĩ giải thích về những nguy cơ lây nhiễm một số loại bệnh như: uốn ván, viêm gan (B,C), HIV… và chỉ rõ nguy cơ lây nhiễm HIV từ việc dẫm phải kim tiêm chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng gia đình vẫn hoang mang và lo lắng không yên.
Tuy nhiên, để an tâm, cô và gia đình đã đồng ý dùng thuốc chống phơi nhiễm để tránh những tình huống bất trắc về sau và tiếp tục theo dõi suốt nhiều tháng tiếp theo.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng đang khám bệnh cho bệnh nhân nữ bị HIV/AIDS giai đoạn cuối (Ảnh minh họa)
Câu chuyện bác sĩ hay học sinh trường y bị phơi nhiễm không phải là hiếm. Năm 2015, 18 bác sĩ bệnh viện phụ sản Hà Nội đã phải điều trị thuốc phơi nhiễm khi cấp cứu cho sản phụ bị dương tính với HIV.
Cách đây không lâu, chàng trai sinh viên trường y tên K khi cấp cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông vô tình bị máu bắn vào mắt. Kết quả xét nghiệm máu của nạn nhân cho thấy dương tính với HIV. Ngay sau đó, nam sinh viên thực tập này được uống thuốc chống phơi nhiễm và kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với HIV.
Phơi nhiễm với HIV là tình huống rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Tình huống bị phơi nhiễm có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, khi gặp phải tình huống đó cần phải bình tĩnh xử lý. Bởi vì, không phải tất cả các trường hợp phơi nhiễm đều dẫn tới bị nhiễm HIV.
Tự ý điều trị rất nguy hiểm
Th.s. BS Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện 09 chia sẻ: “Ví dụ như khi dẫm phải kim tiêm dính máu hay bị vết dao rạch, đầu tiên phải rửa vết thương dưới vòi nước sạch, dùng xà phòng diệt khuẩn rửa vết thương và để cho vết thương chảy máu tự nhiên trong một vài phút. Đối với trường hợp bị máu bắn vào mắt cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý trong 5 phút. Nếu bị phơi nhiễm qua mũi, miệng phải rửa mũi hoặc súc miệng bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý nhiều lần”.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, khi bị phơi nhiễm, nếu quá lo lắng cần tới các cơ sở y tế để được giúp đỡ, tư vấn. Có thể dùng thuốc chống phơi nhiễm để đảm bảo hiệu quả phòng chống HIV. Với thuốc chống phơi nhiễm, tác dụng tốt nhất trong vòng 8 giờ đầu tiên và chậm nhất trong 72 giờ.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị phòng chống phơi nhiễm bán trên thị trường. Trong đó, điều trị phơi nhiễm bằng thuốc ARV có giá tiền khoảng 1-1,5 triệu đồng, các loại thuốc ngoại nhập sẽ có giá cao hơn 4,5-5 triệu đồng/liệu trình. Các loại thuốc chống phơi nhiễm có thể mua được tại một số hiệu thuốc lớn hoặc các hiệu thuốc nhỏ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, thuốc chống phơi nhiễm hiện nay không còn khan hiếm như 10 năm về trước và giá thành cũng không cao. Do vậy, có một số trường hợp khi phát hiện bị phơi nhiễm đã tự ý mua thuốc về điều trị sẽ rất nguy hiểm.
“Không nên tự ý mua thuốc chống phơi nhiễm trên thị trường về dùng. Việc dùng thuốc chống phơi nhiễm phải có sự chỉ định của bác sĩ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng gan và thận. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần phải xét nghiệm chức năng gan thận và tùy theo mức độ phơi nhiễm sẽ có phác đồ điều trị thích hợp”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ.
Vì sao uống thuốc chống phơi nhiễm sau 72 giờ lại không có tác dụng
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho hay, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm muộn hơn 72 giờ có hiệu quả rất ít hoặc không có hiệu quả.
Bởi vì, thuốc phơi nhiễm chỉ có tác dụng khi mới có một vài tế bào nhiễm HIV, thời gian 72 giờ đủ cho HIV nhân lên và lan tràn đến rất nhiều tế bào của cơ thể.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất