Stress cuối năm: Dân văn phòng cần làm gì?

Stress cuối năm: Dân văn phòng cần làm gì?

2015-12-23 17:00
- Cuối năm là thời điểm dồn dập các báo cáo, do đó dân văn phòng đã mệt mỏi lại càng stress. Tuy nhiên, phải đảm bảo những yếu tố dưới đây để thoát khỏi tình trạng này.

Cuối năm là thời điểm bận rộn của nhiều người đặc biệt là dân văn phòng phải hoàn thành vô số báo cáo, tổng kết cuối năm. Từ báo cáo lương, đánh giá cá nhân, đánh giá công việc, họp tổng kết và nhiều lịch trình quan trọng khiến dân công sở không tránh khỏi tình trạng stress. 

Là trưởng phòng hành chính nhân sự và kế toán của một công ty chuyên về kinh doanh thực phẩm nhập ngoại, chị Bảo Thanh (Hà Nội) canh cánh nỗi lo với báo cáo, đánh giá, rà soát các hóa đơn, giấy tờ dịp cuối năm. Có những năm, chị Thanh sụt hơn 2-3kg vì vò đầu bứt tai với bảng quyết toán lương cùng vô số những công việc không tên tuổi khác. Trong khi hàng chục đầu báo cáo phải rà soát, chị vẫn phải lo thêm những việc nhỏ lặt vặt hàng ngày. Công ty nhỏ, nhân viên ít trong khi số lượng các đơn hàng lại rất nhiều khiến chị Thanh thêm mệt mỏi.

Stress cuối năm: Dân văn phòng cần làm gì?

Để hoàn thành số báo cáo nói trên đúng tiến độ, có những ngày, chị Thanh phải làm việc đến 9-10 giờ tối. Thậm chí, nếu số liệu chưa ăn khớp phải đau đầu rà soát, thậm chí sửa chữa hay in lại toàn bộ. Đau đầu nhất với chị Thanh là việc đánh giá từng nhân sự để đảm bảo có mức xếp loại đúng nhất với sức lực và khả năng cống hiến trong 1 năm của mỗi cá nhân.

"Thời điểm cuối năm bộn bề lắm, từ việc ở chỗ làm đến gia đình. Tranh thủ làm những việc đơn giản từ đầu tháng 12 nhưng các báo cáo thường sát ngày cuối năm mới có đủ. Với nhiều nhân viên khác, xong chỉ tiêu năm là họ đã yên vị chuẩn bị Tết, còn những người như chúng tôi lại căng sức ra để lo cho thưởng Tết Âm lịch, quà Tết, mừng tuổi, khai xuân...rất nhiều công đoạn phía trước", chị Thanh nói.

Cũng là một nhân viên văn phòng, anh Trọng (Phụ trách mảng kinh doanh một công ty về điện tử) lắc đầu ngao ngán khi nhìn những đầu việc được liệt kê từ đầu tháng 12. Trong đó, đau đầu nhất phải kể đến liên hệ để xử lý các hợp đồng chưa thanh toán, công nợ còn dở dang để quyết toán cuối năm. Có những nơi phải đi 3-4 lần vẫn chưa xong công việc do mọi người đều bận hoặc đối tác chưa kịp lấy tiền từ những đối tác khác.

"Không quyết toán xong rất gay go, chẳng có tâm trạng nào mà nghĩ đến Tết hay gì nữa. Mỗi hóa đơn hay công nợ lại phải đi ít nhất 2-3 lần. Sau đó về sẽ phải tổng hợp, quyết toán cùng với các bộ phận khác đánh giá kết quả hoạt động", anh Trọng nói.

Làm gì để hết stress?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Thanh Tùng (Chuyên khoa Tâm lý - Trị liệu) cho biết, tình trạng stress dịp cuối năm không còn là chuyện mới nhưng ai cũng sẽ trải qua mỗi năm. Bởi đây là giai đoạn ngắn nhưng số lượng công việc phải hoàn thành đúng thời hạn rất nhiều.

Theo bác sĩ Tùng, để hoàn thành đúng tiến độ nhưng không vấp phải sự căng thẳng đòi hỏi thói quen sắp xếp khoa học. Không nên chờ đợi "nước đến chân mới nhảy" vì như vậy sẽ dễ gây tâm lý mệt mỏi, sai sót và chán nản.

"Lên lịch làm việc khoa học, ưu tiên những công việc có thể giải quyết trước. Thay vì dồn toàn bộ công việc vào cuối năm nên dành thêm mỗi ngày từ 1-1,5 tiếng để làm trước một số công việc dễ dàng. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, uống nước đầy đủ. Không phải vì quá bận mà bỏ bữa rất nguy hiểm có thể khiến bạn càng mệt mỏi hay stress", bác sĩ nói.

Bác sĩ Tùng lưu ý, nhiều người vì quá căng thẳng nên có thói quen dùng những đồ uống như cafe để giúp tăng cường sự tỉnh táo. Nhưng đây là thói quen nên bỏ, bởi tác dụng kéo dài sự tỉnh táo sẽ làm bạn mất ngủ, ngày tiếp theo vẫn duy trì cường độ làm việc như vậy rất nguy hiểm. 

Như đã nói ở trên, ham công tiếc việc nên bỏ bữa sẽ làm hạ đường huyết. Kẹo ngọt hay ăn các đồ ăn giàu năng lượng chưa chắc đã hữu ích. Tuy nhiên, những món ăn giúp bạn cân bằng sức khỏe và sự minh mẫn lại là rau xanh, nước ép hoa quả, trái cây tươi, ngũ cốc giàu chất xơ.

Tình trạng stress gây hại cho tim mạch, bộ não. Cho nên chế độ ăn cần phải giảm bớt lượng muối. "Bởi lượng muối đi vào cơ thể sẽ gây rối loạn quá trình vận chuyển dinh dưỡng. Mặt khác, ăn muối lâu sẽ làm tăng huyết áp, ảnh hưởng tim, làm cho bạn mệt mỏi càng tăng sự stress", bác sĩ nói.

Ngoài những việc làm trên, khi bất cứ ai lâm vào cảnh stress do công việc phải tìm những thú vui thư giãn nhẹ nhàng sau giờ làm như đi bộ, đi chơi, đi dạo...để phục hồi sức khỏe. Đặc biệt phải đảm bảo giấc ngủ đủ thời gian 8 tiếng mỗi ngày.

Vũ Minh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 món phụ kiện hot trend của Gen Z, các nàng nên sở hữu vì xinh muốn xỉu

Đọc nhiều nhất