Đau buốt khớp gối, người đàn ông choáng khi mắc bệnh hiếm có nguy cơ ngồi xe lăn
Tin liên quan
Đi khám khi bị đau gối đã hoại tử toàn bộ khớp
Đau buốt vùng gối, chân trái khó khăn khi đi lại, bác Nguyễn Văn Đức - 54 tuổi (Phúc Lý – Minh Khai – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) đi khám tại bệnh viện Xanh Pôn thì được bác sĩ thông báo bị hoại tử vô mạch toàn bộ vùng khớp gối. Cách đây 4 năm, bác Đức đã mổ hoại tử khớp háng chân trái một lần.
“Khi đang đi làm đồng, tôi nghe có tiếng kêu rắc vùng khớp háng, về nhà thì thấy rất đau. Tôi nhập viện Việt Đức, bác sĩ chỉ định phải mổ hoại tử khớp háng. Sau 3 ngày mổ, tôi được cho về và có thể đi lại bình thường. Tôi tưởng sau mổ chân có thể đi lại bình thường, nhưng cách đây 6 tháng, chân tôi bắt đầu đau trở lại. Lần này tôi không đau ở vùng háng mà đau nhiều ở vùng gối”, bác Đức nói.
Sau khi ăn Tết xong, chân bác Đức đau nhức và buốt nên đi lại càng khó khăn. Tình trạng đau càng tăng khiến bác Đức không thể chịu được nên quyết định tới bệnh viện Xanh Pôn khám. Qua những xét nghiệm, chụp cắt lớp, bác Đức được bác sĩ chẩn đoán bị hoại tử vô mạch vùng khớp gối. Đây là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hoá nặng khớp gối, tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Trường hợp của bác Đức đã ở giai đoạn muộn, sụn đã bị hỏng hoàn toàn.
“Nghe bác sĩ nói về tình trạng bệnh của tôi là bệnh lý tương đối hiếm gặp nên cảm thấy rất lo. Tôi chỉ sợ quãng đời về sau sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời”, bác Đức chia sẻ.
Hiện nay, sau một tuần phẫu thuật phải thay toàn bộ khớp gối, bác Đức đã có thể gập co chân góc 40 độ. Dự kiến sau khi phẫu thuật xong, bác Đức sẽ tập thêm phục hồi chức năng mới có thể đi được bình thường.
Hoại tử khớp gối là bệnh hiếm ở Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn, bệnh lý hoại tử khớp háng ở Việt Nam không hiếm gặp nhưng hoại tử khớp gối lại là bệnh lý hiếm gặp. Tỷ lệ gặp khoảng 3,4% bệnh nhân trên 50 tuổi và 9,4% bệnh nhân trên 60 tuổi, đặc biệt tỷ lệ vừa hoại tử chỏm xương đùi, khớp gối, đã thay khớp háng trước đó trên cùng 1 bệnh nhân lại rất hiếm.
“Trường hợp bệnh nhân Đức đến bệnh viện trong tình trạng đi lại khó khăn và rất đau đớn. Bệnh nhân Đức phát hiện ở giai đoạn đã muộn, bệnh nhân bị hoại tử, vỡ toàn bộ hết mặt khớp. Trường hợp này bệnh nhân sẽ phải thay toàn bộ khớp gối nhân tạo. Nếu không được phẫu thuật sẽ dẫn tới tàn phế”, bác sĩ Trần Trung Dũng nói.
PGS.TS Trần Trung Dũng cho hay, bệnh lý hoại tử khớp gối rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác của khớp gối nên dễ bị bỏ sót. Khi bệnh ở giai đoạn sớm, nếu chụp phim Xquang thường sẽ không phát hiện được hoại tử. Nhưng khi chụp cắt lớp cộng hưởng từ có thể thấy được sụn gối bị tiêu, hoại tử toàn bộ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý trên, do thiếu máu nuôi dưỡng vùng khớp gối. Hoặc do mật độ chất khoáng của xương giảm đi. Bệnh dễ gặp ở những người lớn tuổi từ 40-50 tuổi.
Bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ dễ chữa, không cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân đến ở giai đoạn 2-3 sẽ được khoan giảm áp dể dẫn dịch quanh tế bào xương thoát ra ngoài.
Đánh giá về ca phẫu thuật của bệnh nhân Đức, PGS.TS Trần Trung Dũng là một ca phẫu thuật khó. Bệnh nhân phải thay toàn bộ khớp gối, vì vậy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả ê kíp từ gây mê, kỹ thuật mổ, điều kiện vô trùng…
Đối với bệnh nhân đau khớp gối tăng về đêm và sáng hay đau ngay cả khi không đi lại cần phải đi khám chuyên khoa sớm.
Để phòng bệnh cần:
- Tăng cường chế độ ăn nhiều canxi và khoáng chất.
- Khi có tiếng động ở khớp phải đi khám ngay.
- Không mang vác các đồ đạc quá nặng.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất