Con 4 tuổi bị co giật khiến bố mẹ nghĩ là động kinh, nhưng sự thật lại do thói quen xấu này
Tin liên quan
Bệnh nhi 4 tuổi đã có sán ký sinh não
Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho một ca bệnh nhi 4 tuổi bị ấu trùng sán nang lợn ký sinh ở não. Bệnh nhi đã có biểu hiện lâm sàng trong suốt 2 năm, tuy nhiên bị chẩn đoán nhầm là bệnh động kinh. Khi bệnh diễn biến nặng làm cho chân bệnh nhi không đi được và rơi vào trạng thái hôn mê có co giật gia đình mới đưa đi điều trị.
Đó là trường hợp của bệnh nhi Võ Khắc Th. (sinh năm 2012) nhập bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng co giật và hôn mê. Theo Th.s Phạm Văn Đềm, bệnh nhân đến viện trước đó một ngày đã có co giật toàn thân, cơn co giật kéo dài 1 phút kèm theo ý thức lơ mơ.
Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhi là con thứ 3, sinh ra đã có dị dạng cột sống. Cách đây 2 năm đột nhiên sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, có cơn co giật nhưng không sốt. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh động kinh và phải nghỉ học ở nhà.
Tuy nhiên, khi điện não đồ, bác sĩ nhận thấy không có dấu hiệu điển hình của ca động kinh vì vậy lý do bệnh nhân bị hôn mê, co giật do động kinh được loại trừ. Bé Th. được chỉ định xét nghiệm máu thì dương tính với sán nang lợn, phim chụp có một ổ kén sán làm tổ. Bệnh nhi đã được điều trị bằng thuốc đặc trị và thuốc giảm co giật. Sau một tháng điều trị, bệnh nhi đã đi lại được.
Nỗi lo ấu trùng sán lợn
Theo GS.TS Phạm Nhật An, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi (Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm) ấu trùng sán lợn có vật chủ trung gian là lợn, cư trú ở các cơ và não lợn. Người ăn phải thịt lợn, ăn tiết canh có ấu trùng sán có nguy cơ nhiễm sán rất cao.
Sán nang lợn thường ký sinh ở mắt, phổi, tim và 70% ở não, triệu chứng bệnh sẽ khác nhau do tùy thuộc vào vị trí ký sinh của ấu trùng sán.
Ấu trùng có thể làm tổ trong mắt gây ra lồi nhãn cầu, lác mắt, làm bong võng mạc, giảm thị lực gây ra mù. Nếu ấu trùng ký sinh ở cơ tim gây rối loạn nhịp tim, dẫn tới suy tim. Ấu trùng ký sinh trong não tuỳ theo từng giai đoạn phát triển mà mức độ biểu hiện khác nhau như nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ…
Ăn rau sống không được rửa sạch tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan tới ký sinh trùng.
Trứng sán dây lợn sau khi vào ruột và dạ dày nở ra thành ấu trùng. Ấu trùng di chuyển trong ống tiêu hóa và máu tới ký sinh tại các cơ quan và bộ phận trong cơ thể
Để hạn chế các bệnh do ấu trùng gây ra Giáo sư Phạm Nhật An khuyến cáo, mọi người nên ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn rau sống tại hàng quán, không uống nước lã. Đặc biệt, khi nấu ăn cho trẻ phải vệ sinh tay chân sạch sẽ, thức ăn của trẻ luôn đảm bảo đã chín. Trong nhà có nuôi chó mèo thì cần phải quản lý phân của các động vật này tốt. Khi phát hiện bệnh thì cần phải điều trị sớm và triệt để.
Một số cách phòng bệnh do ấu trùng ký sinh gây ra:
Thực hiện thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi chơi cùng động vật, sau khi đi đại tiện. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ nhỏ.
Trẻ ở trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học cần phải được sàng lọc ký sinh trùng định kỳ để phát hiện bệnh sớm và kịp thời điều trị.
Không ăn tiết canh, thịt lợn khi chưa nấu chín. Rau xanh, củ quả phải đảm bảo rửa sạch nấu chín trước khi cho trẻ ăn. Uống nước đun sôi để đảm bảo an toàn.
Quản lý tốt phân động vật (nếu nhà có nuôi động vật). Không dùng phân động vật và phân người để tưới cho rau ăn lá.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên cọ rửa đồ chơi cho trẻ.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất