Cô giáo 'chiến đấu' với ung thư: 'Có ngày tôi đi vệ sinh 28 lần, nôn tại bàn'
Tin liên quan
Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với biết bao ước mơ, hoài bão và dự định, kết quả chẩn đoán ung thư trực tràng khiến cô giáo trẻ Phạm Thị Thanh Hằng (sinh năm 1989, Hà Nội) đang công tác tại trường THCS Lệ Chi gần như ngã quỵ.
Chưa qua tuổi 30, Hằng cũng như nhiều bạn trẻ khác vốn dĩ chỉ nghe đến ung thư qua các phương tiện đại chúng và kiến thức phòng chống đơn thuần. Cuộc sống hàng ngày bận rộn đôi khi cũng khiến Thanh Hằng quên đi, ung thư có thể xảy đến từ thói quen hàng ngày và việc ăn uống.
Khóc, buồn, chán nản... là những cung bậc mà cô giáo trẻ phải đối diện khi chấp nhận bước qua cú sốc lớn nhất trong cuộc đời. Nhưng rồi, nhìn người nhà buồn bã, rầu rĩ, bản thân Thanh Hằng tự xác định phải vững vàng lên để mọi người đứng dậy.
"Hằng xác định đây là một cuộc chiến thực sự và bản thân đang là chiến binh để chiến đấu với căn bệnh ung thư", Hằng chia sẻ.
Đi vệ sinh nhiều lần, nôn sau khi ăn... dấu hiệu của ung thư trực tràng
Nói về nguyên nhân và nguy cơ gây bệnh ung thư trực tràng, Thanh Hằng cho biết: "Căn bệnh này xuất phát từ thói quen ăn uống như: ăn đồ nướng, ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Nấu ăn tại nhà không cẩn thận khiến thức ăn bị cháy sém, khi ăn vào cơ thể các phần bị cháy cũng có thể dẫn đến ung thư trực tràng".
Cô giáo trẻ Phạm Thị Thanh Hằng (Ảnh nhân vật cung cấp).
Theo lời Thanh Hằng, bản thân cô là người rất ưa thích ăn đồ nướng và đây là món khoái khẩu vào mỗi dịp mùa đông. Dẫu biết hối hận nhưng Thanh Hằng muốn khuyên mọi người hạn chế ăn đồ nướng hoặc đồ ăn làm từ thực phẩm không bảo đảm.
Thanh Hằng cho hay: "Khi nhập viện để thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ nói rằng, căn bệnh của Hằng đã ủ bệnh từ 4-5 năm. Tuy nhiên, các dấu hiệu mờ nhạt nên không nhận ra được. Đặc biệt, với người bị ung thư trực tràng thường đi đại tiện ra máu hay táo bón nhưng Hằng lại không có dấu hiệu này. Bản thân bác sĩ cũng bất ngờ với trường hợp của Hằng khi không có các dấu hiệu nói trên".
Ngoài việc không có dấu hiệu đi đại tiện ra máu, sức khỏe của Thanh Hằng vẫn tốt và tăng cân đều nên khó phát hiện sớm.
Theo lời Thanh Hằng, triệu chứng rõ rệt nhất mà bản thân nhận thấy về căn bệnh đang mắc phải là muốn đi vệ sinh ngay sau khi ăn do bị kích ruột.
"Hằng cứ nghĩ đó là do tiêu hóa tốt nhưng không biết đó là biểu hiện của hội chứng kích ruột. Ngoài ra, Hằng còn bị đau lưng nhưng một vài hôm tự khỏi. Kiểu đau này khiến Hằng nghĩ do đẻ xong thường bị đau lưng", Thanh Hằng cho biết.
Trước khi phát hiện bệnh, có ngày, Thanh Hằng bị đau bụng và đi vệ sinh 28 lần kèm theo đó là các dấu hiệu đau lưng, buồn nôn.
"Có lúc ăn xong, Hằng nôn ngay tại bàn. Cho đến khi đi vệ sinh 28 lần liên tục trong 1 ngày, Hằng vẫn chưa đi khám mà tự ra hiệu thuốc mua thuốc để uống. Nhưng khi uống vào không thấy đỡ, lúc Hằng tới trường cảm thấy người nôn nao và tự nhiên nôn thốc nôn tháo", Thanh Hằng kể.
Khi thấy những dấu hiệu bất thường, cô giáo trẻ Thanh Hằng mới quyết định xin nghỉ phép để đi khám. Ban đầu, Thanh Hằng chỉ nghĩ do rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đau dạ dày chứ không có vấn đề gì phức tạp.
"Sau khi tiến hành nội soi, bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường. Hằng được mời ra ngoài, bác sĩ nói chuyện rất lâu với người nhà bên trong. Lúc đó, Hằng cảm thấy có thể bản thân đã mắc phải bệnh nguy hiểm. Cả nhà định giấu nhưng cuối cùng Hằng cũng biết về căn bệnh đang mắc phải", Thanh Hằng chia sẻ.
Sau lần khám đầu tiên, bác sĩ yêu cầu mổ gấp. Tuy nhiên, sau khi tiến hành xét nghiệm kỹ hơn phát hiện khối u đã di căn. Cho nên, nếu mổ sẽ di căn nhanh hơn vào tim, gan.
"Bác sĩ đã quyết định lên phác đồ truyền hóa chất để kìm hãm sự phát triển của khối u. Sau 6 lần truyền hóa chất sẽ xem cơ địa có hợp thuốc không rồi mới tính phương án tiếp theo", Thanh Hằng nói.
Kiên cường truyền hóa chất
Từ công việc hàng ngày là đến trường, giảng dạy, trò chuyện với các em học sinh, giờ đây cô giáo trẻ Thanh Hằng xác định bản thân là một chiến binh thực sự.
Dù nhớ lớp, nhớ trường, đồng nghiệp và cả gương mặt của các em học sinh thân yêu. Tuy nhiên, Thanh Hằng vẫn xác định phải kiên cường để chữa trị. Những ngày ở bệnh viện với 4 bức tường chật hẹp, dây truyền hóa chất, những cơn đau hành hạ... đều rất khó chịu. Nhưng tất cả là thử thách mà bản thân Thanh Hằng phải vượt qua.
"Ngày đầu truyền hóa chất xong, Hằng đau đớn đến thắt tim. Khối u nổi lên đến mức Hằng có thể sờ được. Sau đó là những cơn đau, mệt mỏi kéo dài mấy ngày trời. Tuy nhiên, bản thân Hằng vẫn luôn chú ý ăn uống để có đủ sức khỏe. Nếu không đủ sức khỏe, phải lùi lịch truyền hóa chất để tiêm kích tiểu cầu và truyền bổ sung chất", Thanh Hằng cho hay.
Điều trị hóa chất cũng có nghĩa phải chia tay mái tóc dài đã gắn bó nhiều năm. Thanh Hằng cho hay, cô đã chuẩn bị tâm lý từ trước trong cuộc chiến với bệnh ung thư. Dù khi tóc rụng còn 1/3, bản thân hụt hẫng nhưng luôn vững niềm tin phía trước.
"Hằng đã đặt mua tóc giả rồi. Khi tóc bị rụng, bản thân cũng rất buồn, hụt hẫng do mái tóc dài và dày nhưng phải cố gắng thôi", Hằng nói.
Dẫu biết con đường chữa trị phía trước còn lắm gập ghềnh, gian nan. Nhưng động lực, sự vui vẻ và vững vàng của cô giáo trẻ khiến gia đình có thêm niềm tin. "Hằng muốn khuyên các bạn trẻ hãy chú ý ăn uống, tránh ăn đồ nướng, thực phẩm bẩn. Ngoài ra, tăng cường tập thể dục, khám sức khỏe tổng thể hàng năm để phát hiện bệnh kịp thời", Thanh Hằng cho hay.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất