Louis Vuitton – cái tên phải tự vượt khỏi bóng của chính mình

Louis Vuitton – cái tên phải tự vượt khỏi bóng của chính mình

Eve Nguyễn 2015-03-17 09:47
- Với những thành tựu mà Marc Jacobs và Nicolas Ghesquière đem lại, thương hiệu Louis Vuitton có thể tự tin hơn, an tâm hơn rằng họ “không chỉ là những kẻ may túi xách”.
Bạn không cần phải là một người sành thời trang mới có thể biết tên đầy đủ của thương hiệu LV từ tận nước Pháp xa xôi viết như thế nào. Louis Vutton – một biểu tượng cho lối sống xa xỉ thời hiện đại, cũng là một trong những người khổng lồ của ngành thời trang cao cấp Pháp. So với nhiều thương hiệu Pháp khác, LV có ưu thế hơn về bề dày phát triển. Thương hiệu này được thành lập từ giữa thế kỷ 19, cụ thể là năm 1854, đến nay đã có một tầm ảnh hưởng khó phủ nhận với đủ các mặt hàng: từ vali, túi xách, đến thời trang may sẵn, giày dép, đồng hồ, phụ kiện và kính râm. Trong suốt 6 năm liền, từ 2006 đến 2012, LV nắm vị trí thương hiệu đồ xa xỉ có giá trị lớn nhất thế giới. Doanh số mỗi năm của thương hiệu này lên tới khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, hiện có hơn 400 cửa hàng chính thức tại 50 quốc gia.
Ảnh quảng cáo của LV cho mùa Thu năm 2010
Nếu như Coco Chanel khởi nghiệp là một tiệm may mũ cho các quý bà, thì Louis Vutton bắt đầu gây dựng tên tuổi với các sản phẩm vali, rương, hòm đựng đồ cao cấp được làm bằng tay. Quá trình làm những chiếc rương – hòm này được miêu tả rất công phu, không kém gì việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Người thợ đóng hòm sẽ cẩn trọng gõ vào từng chiếc đinh nhỏ xíu, đến chiếc khóa và chìa khóa để mở rương cũng được làm thủ công với mục đích tạo sự tiện lợi – 1 chiếc chìa khóa duy nhất để khóa-mở toàn bộ các rương-hòm hay vali của người sở hữu. Phần khung của mỗi chiếc rương được làm bằng gỗ dương 30 năm tuổi được phơi khô ít nhất trong vòng 4 năm. Thời gian để làm một chiếc rương  hoàn chỉnh là khoảng 60 tiếng đồng hồ, còn vali thì khoảng 15 tiếng đồng hồ, và mỗi sản phẩm có một số sê ri riêng. 
Một bộ các sản phẩm hành lý của Louis Vuitton
Chính từ nền tảng sản xuất rương, hòm và vali cao cấp này, và Louis Vuitton trở thành một tượng đài bất hủ về mảng túi xách thời trang trong thời kỳ hiện đại. Hai mẫu túi xách nổi tiếng nhất của LV là mẫu túi Speedy và túi Neverfull, là những mẫu túi mà mỗi nhân vật ở giới thượng lưu hay những tín đồ túi xách bắt buộc phải có để thể hiện đẳng cấp của mình. Ngoài ra, mỗi mùa thời trang, LV cũng sản xuất thêm một số mẫu túi phiên bản giới hạn, luôn gây sốt cho những người hâm mộ, đến việc đặt mua cũng là một trận chiến "sinh tử". 
Hai mẫu túi kinh điển của LV
Những chiếc túi đặc trưng của LV cũng là những mẫu hàng hiệu bị nhái nhiều nhất trên thế giới. Đó là lý do mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy logo hai chữ LV này ở bất kỳ nơi nào, từ những trung tâm thương mại xa hoa nhất cho đến những khu chợ sinh viên tồi tàn, thậm chí cả khi những ngôi sao nổi tiếng nhất châu Á khoác một chiếc túi có logo LV trên vai thì cũng chưa chắc đó là hàng chính hãng. Theo một thống kê năm 2004, trong số các tang vật hàng phụ kiện giả bị tịch thu ở EU thì riêng hàng nhái LV đã chiếm tới 18%. Tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn nhiều ở châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thậm chí, chất liệu da in họa tiết logo LV còn được nhái ở quy mô hàng loạt để các xưởng may sử dụng cho các “sáng tạo” của riêng mình, từ yên xe máy cho đến... đồ chơi. Đây có vẻ là một xu hướng khá mỉa mai cho thương hiệu Louis Vuitton chính hãng, bởi logo này ban đầu được thiết kế rất công phu nhằm mục đích... chống hàng nhái.
Những chiếc túi xách LV nhái được bày bán tràn lan ở thị trường Trung Quốc
 
Với thế mạnh là sản xuất túi xách, đến năm 1998, LV mới chính thức gia nhập thị trường thời trang ứng dụng sau khi tuyển nhà thiết kế (NTK) Marc Jacobs làm giám đốc sáng tạo. Trong những năm tháng còn cống hiến nhiệt tình cho LV, Marc đã tìm mọi cách để vượt ra khỏi cái bóng của một "xưởng đóng túi quý tộc" để đưa đến một hình tượng Louis Vuitton trẻ trung hơn, thời thượng hơn và sáng tạo hơn. 
NTK Marc Jacobs
Để tìm được sự đột phá trong sáng tạo, LV dưới thời của Marc Jacobs đã hai lần hợp tác với các NTK Nhật Bản. Lần thứ nhất, nghệ sĩ Takashi Murakami đã giúp tạo ra hai BST từ các tác phẩm hội họa của mình, một lần năm 2002 và một lần năm 2008 với BST Monogramouflage. Những hình vẽ nghệ thuật được vẽ đè lên nền vải in logo truyền thống của LV, đem lại nét tươi mới bất ngờ cho những thiết kế kinh điển. Đặc biệt, những màu được vẽ đè lên đều có tông màu neon rực rỡ như hồng chói, xanh lá cây hay da cam, và có thể phát sáng trong bóng tối. Lần thứ hai LV tìm đến cảm hứng Nhật Bản chính là vào tháng 7/2012, khi hợp tác với nghệ sĩ Yayoi Kusama, mượn ý tưởng về các họa tiết chấm bi đặc trưng do Yayoi sáng tạo để trang trí lên những mẫu túi in logo của mình. Có ba phiên bản túi LV chấm bi, bao gồm túi đen chấm trắng, túi đỏ chấm trắng và túi vàng chấm đen. 
Một mẫu túi xách trong BST Monogramouflage của LV
Mẫu túi và phụ kiện của LV với họa tiết chấm bi của Yayoi Kusama
Dấu ấn mà Marc Jacobs để lại cho Louis Vuitton còn được thể hiện trong các sân khấu thời trang hoành tráng. Về mặt ý tưởng và ấn tượng, có lẽ những điều mà Marc làm cho LV cũng chẳng thua kém gì các kịch bản mà Karl Lagerfeld thực hiện cho Chanel. 3 sân khấu đỉnh cao của LV là buổi trình diễn với bối cảnh nhà ga xe lửa mùa Thu Đông năm 2008; bối cảnh vòng quay ngựa gỗ trắng mùa Xuân Hè 2012 và đặc biệt là bối cảnh 4 hàng thang máy băng chuyền mùa Xuân Hè 2013. 
Sân khấu của LV mùa Thu Đông 2008
Sân khấu của LV mùa Xuân Hè 2012
Sân khấu của LV mùa Xuân Hè 2013
Chính tính cách đặc biệt của Marc Jacobs đã giúp cho thương hiệu Louis Vuitton đến gần hơn với nhóm công chúng trẻ tuổi. Nguồn cảm hứng của ông chính là những người phụ nữ sống theo cảm hứng, lựa chọn theo sở thích tự do và chìm đắm trong những ý tưởng bất chợt. Một trong những ý tưởng bất chợt mang tính ngẫu hứng của Marc Jacobs chính là nhân vật hoạt hình Spongebob – Bọt Biển Quần Vuông. Ông đã cho ra đời một dòng sản phẩm về Spongebob trong thương hiệu của riêng mình hồi mùa xuân năm 2008, và mặc cho nhiều chỉ trích từ những nhà phê bình nghiêm túc, ông vẫn thản nhiên quảng bá một chiếc túi Bọt Biển Quần Vuông ngay trên sàn diễn của LV. Tuy vậy, Marc cũng có một sự tôn trọng và cảm kích nhất định với chiều dài truyền thống của Louis Vuitton. Kể cả khi đã thành lập nhãn hiệu riêng và phải dàng nhiều thời gian hơn ở New York, Marc vẫn cố gắng quay lại Paris và làm việc nghiêm túc, sáng tác nghiêm túc với phong cách Pháp cho LV, đến tận những BST cuối cùng. 
Marc Jacobs tại cuối buổi trình diễn BST Xuân Hè 2013 của Louis Vuitton
 
Người kế nhiệm Marc Jacobs vào vị trí Giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton đến thời điểm này là NTK Nicolas Ghesquière. Chưa để lại đủ dấu ấn như Marc, nhưng Nicolas lại được đánh giá là một người có tầm nhìn sáng suốt và tỉ mỉ. Trong vòng một năm đầu hợp tác với LV, Nicolas đã rất nghiêm túc khi bàn bạc với ban giám đốc để xác định đúng hướng đi cho thương hiệu này trên thị trường. Ông đã tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo của LV: “Điều quan trọng là LV phải xác định được một hình tượng cho phụ nữ hướng tới, đặc biệt vừa phải có sự sáng tạo nhưng vẫn hòa quyện được với nét truyền thống của Louis Vuitton.” 
NTK  Nicolas Ghesquière
Tư tưởng này đã được Nicolas truyền tải rõ ràng trong 3 BST đầu của mình với LV, từ mùa Thu 2014 đến Xuân 2015. Ông không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo ra một mẫu túi xách gây sốt nhất thời và dễ trở thành lạc hậu. Ngược lại, Nicolas có tư duy rất mạch lạc: “Khi nhìn vào một mẫu thiết kế kinh điển, chúng ta đôi khi đã quên mất rằng những mẫu thiết kế ấy khi mới ra đời, nó là một sự sáng tạo rất mới mẻ. Vào những ngày mới xuất hiện, những mẫu thiết kế ấy thậm chí còn khiến người ta choáng váng, nhưng sau một thời gian dài, chúng sẽ trở thành những thiết kế kinh điển. Không phải mọi sản phẩm cứ sau thời gian dài thì sẽ được coi là kinh điển, nhưng đó chính là thử thách mà mỗi NTK phải vượt qua. Dù có tạo ra những sáng tạo độc đáo như thế nào, một NTK cũng phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình có thể đứng vững trong dòng chảy của thời gian.”
Các thiết kế trong BST Thu 2014 của Louis Vuitton
Nicolas Ghesquière đã từng làm việc với thương hiệu Balenciaga, nhưng từ khi hợp tác với Louis Vuitton, ông tạo dựng được tên tuổi hiệu quả hơn chỉ trong thời gian ngắn. Một trong những điều ông học hỏi nhiều nhất từ “ông tổ” Louis Vuitton chính là việc thiết kế phải gắn liền với tính thực tiễn, và để nắm rõ tính thực tiễn thì bản thân cũng phải tự mình trải nghiệm. Điển hình với riêng LV – với dòng sản phẩm cốt lõi là túi xách và vali du lịch, thì phải biết nhìn vào thực chất các trải nghiệm du lịch để biết khách hàng cần gì, có nhu cầu gì, muốn cất giữ, vận chuyển hành lý như thế nào cho đẹp và tiện dụng. Những chiếc túi xách LV ban đầu chỉ là những chiếc túi phụ đi kèm với những chiếc rương của thương hiệu này, nhưng sau đó lại trở thành “át chủ bài” cho Louis Vuitton, đó chính là bởi NTK đã có cái nhìn chiến lược, biết biến đổi ý tưởng của mình thành một thiết kế mang tính kinh điển.
Một mẫu túi xách được đánh giá cao trong BST Xuân Hè 2015 của LV
So với phong cách đầy cá tính của Marc Jacobs, các thiết kế của Nicolas Ghesquière có vẻ giản dị hơn như chính cá tính của NTK này. Ông cũng thừa nhận rằng mình muốn dùng chính dấu ấn đơn giản này để tạo một diện mạo khác cho Louis Vuitton, thoát hoàn toàn khỏi cái bóng của Marc. Nhưng Nicolas đồng thời cũng ý thức được rằng phong cách đặc trưng của LV không phải là phong cách tối giản, vì vậy, ông rất tôn trọng ý kiến của tập thể, cùng các đồng nghiệp của mình kết hợp sự đơn giản và phức tạp của các ý tưởng thiết kế, từ đó tạo ra chiều sâu cho các BST.  
Mẫu trang phục mang cảm hứng retro trong BST Xuân Hè 2015 của LV
Một đặc điểm trong các thiết kế mà Nicolas Ghesquière dành cho Louis Vuitton, đó là các trang phục hướng đến mọi độ tuổi. Thậm chí, trong mỗi bộ ảnh quảng cáo, Nicolas còn yêu cầu sử dụng 3 nhóm người mẫu ở 3 nhóm độ tuổi khác nhau. Thiết kế của Nicolas tập trung làm nổi bật phong thái, cá tính, sự thông minh, phong cách riêng và cách thể hiện cảm xúc riêng của người phụ nữ, thay vì tập trung vào độ tuổi của khách hàng, đó cũng là điều khiến trang phục của LV trở nên thân thiện với số đông hơn. Bên cạnh đó, Nicolas cũng chăm chỉ sử dụng mạng xã hội như Instagram và Twitter để kết nối với đông đảo khách hàng, từ đó rút ra được những xu hướng và nhu cầu, hiểu được tâm lý khách hàng và tạo mối quan hệ tốt giữa thương hiệu LV và những người yêu thời trang.
Ảnh quảng cáo BST Xuân Hè 2015 của LV
Chính nhờ thế, một lần nữa Nicolas Ghesquière lại đem lại thành công cho Louis Vuitton trong BST thời trang ứng dụng gần đây nhất trong Tuần lễ thời trang Paris Thu Đông 2015-2016. Tạp chí Vogue đã nhận xét rằng Nicolas chính là NTK vĩ đại tới mức có thể chạm tới tâm trí của mọi người và nói cho khách hàng biết họ muốn gì; là người có thể xóa tan mọi lo lắng, giải tỏa mọi hoang mang và làm linh hồn của các tín đồ thời trang thêm phấn chấn; và cũng là người khiến phụ nữ thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc khi mang nhiễm sắc thể XX sống ở thế kỷ 21 này. 
Một trong hai mẫu áo khoác lông cừu mở màn cho buổi trình diễn Thu Đông 2015 của LV
Những chi tiết được đánh giá cao trong BST mới nhất của LV bao gồm các mẫu áo khoác lông cừu với từng cụm lông được đính mượt mà, từng chiếc thắt lưng dây xích nhỏ xinh, áo len dệt kim với từng đường gân uốn lượn, áo dài tay thêu ren và chân váy chữ A kết hợp cả khóa kéo và đai cài. Các tín đồ của LV cũng không khỏi xuýt xoa ngưỡng mộ trước bộ váy in họa tiết động vật có đính pha lê, váy thể thao hay bộ vest được cắt may hoàn hảo. 
Một mẫu vest đẳng cấp của LV trong BST lần này
Chính bản thân Nicolas Ghesquière cũng trả lời trong hậu đài rằng “Tất cả những thiết kế trong quá khứ của tôi chỉ là bước đà cho BST lần này. Đây chính là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dùng các kỹ thuật công nghệ hiện đại để xử lý những chất liệu vải cổ điển”. Với những ai đã theo dõi những thiết kế cao cấp của Nicolas dành cho hãng Balenciaga trước đây, sẽ thấy quả thực rằng hợp tác với Louis Vuitton mới chính là cơ hội cho Nicolas Ghesquière tiếp cận với đông đảo phái đẹp và những người yêu thời trang một cách gắn bó hơn, thiết thực hơn, có ý nghĩa hơn. 
Mẫu váy dài đắp ren tinh tế cho mùa Thu Đông 2015 của LV
Với những thành tựu mà Marc Jacobs và Nicolas Ghesquière đem lại, thương hiệu Louis Vuitton có thể tự tin hơn, an tâm hơn rằng họ “không chỉ là những kẻ may túi xách”, cũng không phải chỉ là một tên “trọc phú” bành trướng về quy mô nhưng không có chiều sâu về chất lượng. Louis Vuitton quả thực là một thương hiệu thân thiện nhất với số đông, không quá kiêu kỳ, không quá kén chọn, nhưng điều đó không có nghĩa là LV rẻ tiền hay hời hợt. Với váy áo, túi xách và giày dép vừa xuất hiện trên trong BST mới nhất này, những tín đồ của LV vẫn có thể tự hào mà nhận định rằng: Louis Vuitton vẫn là biểu tượng của lối sống hiện đại nhất, sành điệu nhất, và luôn tiến về phía trước.

Chân váy với đường kéo khóa dọc và đai cài ngang

 

Eve Nguyễn

Ảnh: Instyle, Elle

(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thùy Tiên nói thẳng về nghi vấn mua vương miện giá 3 tỷ rưỡi

Đọc nhiều nhất