Ảnh quảng cáo thời trang bị cấm vì quá phản cảm
2015-06-12 09:30
- Gợi dục, vô trách nhiệm, phản cảm v.v... đó là những cáo buộc khiến rất nhiều bức ảnh quảng cáo thời trang cao cấp bị cấm tại nhiều quốc gia.
Tin liên quan
Vừa qua, Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo đã cáo buộc bức ảnh quảng cáo cho BST Xuân Hè 2015 của thương hiệu Miu Miu do nhiếp ảnh gia Steven Meisel thực hiện là “vô trách nhiệm và có thể xúc phạm người khác một cách nghiêm trọng”. Người mẫu trong bức hình là Mia Goth, hiện đã 22 tuổi, tuy nhiên, các độc giả của tạp chí Vogue đã bình luận bức ảnh này là “hình ảnh một đứa trẻ ăn mặc như người lớn và tạo dáng quá khêu gợi”. Và như vậy, một bức ảnh tuy không quá hở hang, không quá gợi cảm, nhưng chính vẻ tươi trẻ của người mẫu đã đem lại rắc rối cho chiến dịch quảng cáo này. Đặt vào bối cảnh của bức ảnh, người xem càng dễ liên tưởng tới các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, hay những vụ buôn người và các nạn nhân bị nhốt trong những căn phòng tồi tàn để phục vụ tình dục. Bức ảnh quảng cáo này đã chính thức bị cấm, và điều đó đặt ra một bài học sâu sắc cho các nhà làm quảng cáo: Không chỉ bị cấm sử dụng người mẫu vị thành niên, mà bạn cũng có thể bị cấm tạo hình các người mẫu đủ tuổi thành diện mạo của trẻ vị thành niên.
Trước trường hợp này, Miu Miu cũng đã từng có một tấm ảnh quảng cáo bị cấm. Đó là bức ảnh quảng cáo năm 2011 do nhiếp ảnh gia Bruce Weber thực hiện, chụp diễn viên Hailee Steinfeld tạo dáng bên đường ray tàu hỏa. Bức ảnh này cũng bị cáo buộc là “vô trách nhiệm”, với cách tạo dáng nguy hiểm. Điều này làm ta dễ liên tưởng đến trào lưu chụp ảnh bên đường ray xe lửa vốn từng rất thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam và cả trong nhiều bộ ảnh cưới, và báo chí cũng như cơ quan chức năng đã phải lên tiếng để ngăn chặn kiểu chụp “quên tính mạng” này.
Miu Miu không phải là thương hiệu thời trang duy nhất gây tranh cãi vì những bức ảnh quảng cáo của mình. Ít nhất, ảnh của Miu Miu còn có thể chỉ nằm ở mức độ “gợi liên tưởng”. Trong khi đó, nhiều hãng thời trang khác đánh thẳng vào tâm lý chuộng hình tượng tình dục để quảng cáo, thể hiện hình ảnh gợi dục một cách trực tiếp, không kém gì những bức ảnh khiêu dâm. Điển hình nhất là các bức ảnh quảng cáo nước hoa cho nam của hãng Tom Ford năm 2007 do nhiếp ảnh gia Terry Richardson thực hiện. Với những hình ảnh như bộ ngực trần (được che bằng tay của người mẫu), hay đôi chân dài miên man với làn da rám nắng bốc lửa dạng ra, với vùng nhạy cảm được che bằng chính chai nước hoa, những bức ảnh này chắc chắn rất hút mắt với phái mày râu, nhưng nó dường như chẳng còn giữ được giá trị nghệ thuật hay thời trang cao cấp. Tất nhiên, những bức ảnh này đã bị cấm ngay lập tức.
Thế nhưng, hãng Tom Ford dường như vẫn muốn tiếp tục khai thác đề tài tình dục cho các bức ảnh quảng cáo của mình. Mới đây nhất, hãng đã quảng cáo cho chai nước hoa Black Orchid bằng hình ảnh siêu mẫu Cara Delevingne khỏa thân hoàn toàn đầm mình dưới làn nước đen huyền bí. Bức ảnh này ít nhất không để lộ bất cứ phần nhạy cảm nào trên cơ thể của Cara Delevingne, và yếu tố nghệ thuật cũng thể hiện rõ hơn. May mắn cho Tom Ford, bức ảnh này dù gây tranh cãi nhiều, nhưng lại không bị cấm. Một yếu tố tích cực giúp cho bức hình này của hãng Tom Ford, đó chính là biểu cảm trên khuôn mặt của Cara Delevingne. Tài năng của siêu mẫu này đã giúp thể hiện được nét cao cấp, tinh tế hơn, hay vì một khuôn mặt gợi dục rẻ tiền.
Tình dục không phải là yếu tố duy nhất gây phản cảm cho các bức ảnh quảng cáo thời trang, hoặc nói cách khác, sự sáng tạo của các nhà quảng cáo khiến yếu tố tình dục được truyền tải bằng các yếu tố phi xác thịt. Không phải khoe ra những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể con người, nhưng ảnh quảng cáo của thương hiệu Sisley cũng gây phản cảm khó chối cãi khi đăng hình người mẫu Josie Maran tạo dáng khi vắt sữa trực tiếp của một con bò, lộ rõ phần vú của bò, và tia sữa trắng bắn vào miệng người mẫu cũng là một hình ảnh gây liên tưởng đến các hành động khiêu dâm.
Chán đề tài tình dục, Sisley chuyển sang cảm hứng từ ma túy: Ảnh quảng cáo năm 2007 với lời tựa “Con nghiện thời trang”, mặc dù hai người mẫu không hít ma túy thật mà chỉ hít phần dây quai của chiếc váy trắng, như một phép ẩn dụ về tính gây nghiện của thời trang, tuy nhiên bức ảnh này cũng đã bị cấm vì “biến ma túy thành biểu tượng của lối sống xa hoa”.
Tình dục không phải là thứ duy nhất bị coi là “đề tài nhạy cảm”. Ví dụ như United Colours of Benetton – một thương hiệu thời trang cho các gia đình, thì tất nhiên, ảnh quảng cáo gợi cảm chẳng có tác dụng thu hút khách hàng. Vì vậy, thương hiệu này đã chọn gây chú ý, thậm chí gây shock với những đề tài liên quan đến chính trị, xã hội. Năm 2011, hãng này đưa ra chiến dịch quảng cáo mang tên UNHATE (“không thù hằn”) với hình ảnh giáo hoàng Benedict XVI khóa môi cùng lãnh tụ Hồi giáo Sheil Ahmed el-Tayeb. Bức ảnh này đã bị bắt phải gỡ xuống chỉ sau vài giờ công bố.
Trước đó, năm 1992, hãng Benettons cũng bị chỉ trích là “gây shock quá đà” khi đưa hình ảnh những giây phút cuối đời của một bệnh nhân AIDS lên quảng cáo.
Gần đây, United Colours of Benetton đã chọn giải pháp an toàn hơn khi chọn hình ảnh về bạo lực gia đình để lấy thiện cảm của người tiêu dùng.
Một bức ảnh quảng cáo khó hiểu khác của Benetton năm 1992.
Lọt vào trường hợp gần giống với Miu Miu, thì Calvin Klein từ năm 1995 cũng đã từng “dính phốt”. Người mẫu đủ tuổi thành niên, mặc đồ không quá hở hang, tạo dáng không quá khiêu khích, nhưng chính vẻ trẻ trung như học sinh trung học của họ, cùng với bối cảnh chụp là một tầng hầm lát gỗ đã tạo ra liên tưởng về những vụ dụ dỗ trẻ em, đặc biệt là những vụ án chụp ảnh khiêu dâm trẻ em gây bức xúc thời bấy giờ.
“Sex sells” ("Tình dục giúp bán đắt hàng") – đó là một châm ngôn nổi tiếng trong ngành quảng cáo. Thế nhưng, mọi chuyện đều phải có giới hạn của nó. Bản chất của tình dục cũng là một phần không thể thiếu của cuộc sống, và nó không phải là điều gì đáng xấu hổ, tuy nhiên, dùng tình dục để hạ thấp giá trị con người, thì việc các bức ảnh quảng cáo bị cấm là chẳng oan ức chút nào.
Bức ảnh quảng cáo này của Gucci bị cấm không chỉ vì tư thế khiêu khích của người mẫu nữ, mà còn bởi tư thế “quyền lực” của người mẫu nam, tạo liên tưởng về việc hạ thấp giá trị phụ nữ, coi nam giới là ông chủ còn phụ nữ chỉ là người phục vụ tình dục.
Eve Nguyễn
(Ảnh: dazeddigital, vogue)
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Bé gái có 1 trong 4 đặc điểm này từ nhỏ, lớn lên đích thị là mỹ nhân