Cắt amidan: Khi nào cần thiết thực hiện phẫu thuật này?

Cắt amidan: Khi nào cần thiết thực hiện phẫu thuật này?

2016-12-26 11:00
- Sự việc bệnh nhân cắt amidan bị tử vong sau gây mê đang khiến nhiều người lo lắng, không biết khi nào mới cần cắt amidan.

Khi nào cần đi cắt amidan?

Vụ việc bệnh nhân H. V. T. (34 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) đi cắt amidan tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức bị tử vong sau gây mê đang khiến dư luận xôn xao.

Sau sự việc này, nhiều người băn khoăn có nên đi cắt amidan hay không, hay chấp nhận "sống chung" với tình trạng viêm khi gặp lạnh suốt đời.

Từ vụ cắt amidan bị tử vong bác sĩ chuyên khoa nói gì?

Cắt amidan thường không được chỉ định cắt rộng rãi cho cả trẻ nhỏ và người lớn (Ảnh minh họa).

Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An (Nguyên Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng trẻ em, Bệnh viện Tai – Mũi – Họng Trung ương) cho hay, cắt amidan thường không được chỉ định rộng rãi cho cả trẻ nhỏ và người lớn.

Những trường hợp bệnh nhân được bác sĩ chỉ định cắt amidan là những bệnh nhân thường xuyên bị viêm amidan, tái đi tái lại nhiều lần trong một năm hoặc gặp phải những bệnh lý nặng do viêm amidan gây ra.

“Bệnh nhân bị viêm amidan có thể được chỉ định cắt khi có những biến chứng vào tai gây viêm tai, viêm amidan gây ra viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp, viêm khớp… Có những trường hợp ngủ ngáy có thể bị ngừng thở khi ngủ cần phải cắt amidan tránh nguy hiểm đến tính mạng”, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An nói

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm: “Người có thể trạng khỏe mạnh, chỉ đôi khi bị viêm amidan không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thì không cần phải đi cắt amidan. Có nghĩa  chúng ta vẫn có thể sống chung với amidan suốt đời”.

Cắt amidan không nguy hiểm tới tính mạng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cắt amidan là một thủ thuật đơn giản, không gây nguy hiểm tới tính mạng.

Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng phân tích khi làm thủ thuật y khoa khó có thể nói trước được điều gì. Đơn giản truyền dịch cũng gây tai biến, truyền huyết thanh cũng gây sốc huyết thanh, tiêm thuốc kháng sinh cũng có thể phản ứng thuốc tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An cảm thấy rất đáng tiếc về trường hợp tử vong của bệnh nhân H. V. T xảy ra ở bệnh viện Trí Đức.

Qua thực tế nhiều năm làm trong ngành y, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An khuyến cáo, trước khi làm bất kỳ phẫu thuật dù đơn giản hay phức tạp, bác sĩ cần khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân. Bởi vì, mỗi bệnh nhân lại có những cơ địa dị ứng khác nhau. 

Bác sĩ Nguyễn Hoài An chia sẻ: “Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng mạnh, ở thời điểm cắt amidan mà dùng thuốc gây tê như vậy không có vấn đề gì. Nhưng 15 năm sau, khi bệnh nhân đó phải phẫu thuật, bác sĩ dùng chính loại thuốc đó lại có thể tử vong. Cho nên, ở từng thời điểm, cơ thể đã có sự phản ứng khác nhau. Không một bác sĩ nào dám khẳng định chắc chắn 100% bệnh nhân không có sốc phản vệ khi tiêm thuốc gây mê".

“Khi quyết định cắt amidan nên chọn những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, phẫu thuật viên phải có tay nghề tốt. Kỹ thuật gây mê, trang thiết bị tốt. Và đặc biệt bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ về cơ địa dị ứng của mình và chỉ cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An khuyên.

 

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân H.V.T được chẩn đoán: Viêm xoang mãn – Viêm amidan lệch vách ngăn – Sùi vòm.

Khoảng 8h 40 phút, bệnh nhân được dùng Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê), sau 15 phút sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, có dấu hiệu sốc phản vệ.

Khoảng 10 giờ, bệnh nhân T. đã được chuyển tới bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng cấp cứu và tử vong ngay sau đó.

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đàm Vĩnh Hưng chính thức lên tiếng về ồn ào 96 tỷ tiền từ thiện

Đọc nhiều nhất