Nhân viên khó bảo, sếp trị làm sao?
Tin liên quan
Họ là những người làm rất được việc, chính vì lẽ đó nên sếp khó có thể sa thải họ, nhưng họ cũng là những người có cá tính “đặc thù” là khó bảo, vậy sếp nên làm gì để quy phục những nhân viên bất trị này?
Xưa có câu chuyện của hoàng đế Võ Tắc Thiên giết ngựa quý của vua vì ngựa quý dở chứng không chịu nghe lời chủ. Lý lẽ của bà hoàng đó là “Dù là ngựa quý nhưng sinh ra là để phục vụ vua, nếu không thuần phục được chi bằng giết bỏ”. Chân lý đó hàng ngàn năm trôi qua đến thời nay vẫn còn nguyên giá trị về cách dụng nhân tài của những nhà lãnh đạo.
Người tài luôn đi kèm với chữ tâm, chữ đức. Như Bác Hồ từng nói “có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là con người vô dụng”. Những chân lý ấy luôn luôn là kim chỉ nam về đạo làm người, yếu tố cần và yếu tố đủ để trở thành một người thành công.
Dùng tích xưa để kể chuyện ngày nay luôn là cách mà các nhà lãnh đạo thường vận dụng. Với những nhân viên cấp dưới nếu có tài mà tâm tính “hết thuốc chữa” thì họ sẽ không ngại ngần làm theo phương kế của Võ Tắc Thiên, nhưng nếu nhân viên đó có tài năng, mà năng lực đó giúp ích, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển chung của công ty, doanh nghiệp, bên cạnh đó là một số tính xấu vẫn có thể sửa chữa, cải tạo được, thì các nhà lãnh đạo sẽ dụng mưu thế nào để khuất phục những nhân viên “lắm tài nhiều tật” của mình?
Hãy tìm hiểu ưu nhược điểm của nhân viên đó
Trước hết, muốn trị được nhân viên khó bảo, bạn cần phải hiểu được nguyên nhân, từ đó mới kê toa điều trị được. Một số nhân viên dưới quyền bạn có thể rất hống hách và cậy quyền với nhân viên cấp dưới hơn, hãy tìm hiểu lý do tại sao? Có thể nhân viên này là người không khéo léo trong giao tiếp mặc dù chuyên môn rất tốt, cách họ cư xử cửa quyền hống hách là vì họ muốn nhân viên cấp dưới của mình phục tùng những mệnh lệnh của họ đề ra mà không cần phải giải thích. Việc này sẽ khiến nhân viên cấp dưới nhìn sếp nhỏ với thái độ khó chịu. Với cương vị là lãnh đạo cấp cao, bạn nên tìm hiểu được nguyên nhân nhân viên của bạn vì sao lại có cách hành xử như vậy. Đó là tính cách cố hữu hay chỉ đơn giản là một phương pháp cứng rắn để đạt được hiệu quả công việc? Từ đó bạn sẽ có phương pháp điều trị những nhân viên khó bảo một cách phù hợp.
Trò chuyện trực tiếp một cách thăm dò và khéo léo
Nhiệm vụ của buổi trò chuyện vẫn là cách mà bạn sẽ trao đổi những yêu cầu mong nhân viên thay đổi lại thái độ làm việc của mình, hạn chế những tính xấu, điều quan trọng là khi bạn chỉ ra cho họ những điều sai thì bạn nên nói với một thái độ mềm mỏng, khéo léo, đó là tố chất của một người lãnh đạo thực sự.
Xác định tư tưởng cho nhân viên
Khi đã trao đổi cụ thể với nhân viên, mà họ vẫn cố chấp không nhận ra sai lầm của mình để sửa đổi. Bạn hãy tỏ thái độ cương quyết, đúng – thưởng , sai - phạt thật rõ ràng. Nếu cần thiết hãy áp dụng ngay một mức phạt đủ sức răn đe, cảnh tỉnh thái độ làm việc của nhân viên xấu tính, hãy cho họ biết được vị trí và những hậu quả họ sẽ gánh chịu nếu như cố tình làm sai quy định của công ty.
Nhanh chóng đưa ra quyết định kịp thời
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, khi bạn nghe thấy có sự phản ánh của cấp dưới về thái độ làm việc của nhân sự, hãy tìm hiểu và nhanh chóng có phương án kịp thời trước khi sự việc vượt tầm kiểm soát và gây hậu quả với công ty.
Minh Phương
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất