Nhảy việc! Bạn dám không?

Nhảy việc! Bạn dám không?

2015-03-17 05:21
- Đi hay ở, đôi khi được quyết định chỉ bởi một sự giận dữ.
Cứ mỗi ngày nắng thật đẹp, và gió hiu hiu, tôi lại nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ trên tầng 10 của một trong những toà nhà có view đẹp nhất Sài Gòn và thầm ước mình được sải rộng đôi cánh bay trên những áng mây trắng xốp kia. Tôi đã gắn mình với góc làm việc này được 3 năm. 3 năm có thể là ngắn ngủi với nhiều người nhưng với một người thích thay đổi như tôi thì nó thực sự rất dài. Chỉ riêng việc gắng mình với một góc làm việc, với một mảng trời xanh ngắt, với những tờ giấy note chi chít màu vàng, một vài kỉ vật của đồng nghiệp tặng trong các dịp đặc biệt hay những âm thanh lạch cạch quen thuộc của “người hàng xóm”. Mọi thứ quen thuộc dần trở nên quá nhàm.
 Đợt gần đây, tôi có đọc một câu hỏi khá hay trên một trang tuyển dụng lớn về chuyện bao lâu thì nên nhảy việc? Nếu ở lâu quá thì gia tăng sức ỳ mà thời gian ngắn quá thì lại chẳng ra đâu vào đâu. Bao nhiêu thì hợp lý? Phía bên dưới, nhiều chuyên gia cũng như thành viên có đưa ra các ý kiến khác nhau. Tựu chung lại là một khi có ý định nhảy việc hay kiếm cho mình công việc mới, bạn cần cân nhắc xem mục đích công việc này của bạn là gì, tại sao cần nhảy và bao lâu là đủ, tại sao lại như vậy?. Nhưng dù có thế nào, bạn có nhảy ngắn hay nhảy dài, thì việc ra khỏi một vùng đất an toàn mình đã tạo lập trong một thời gian không phải là điều đơn giản. 
Từ lúc chúng ta chào đời, chúng ta luôn phải ra khỏi vùng an toàn. Đầu tiên là bụng mẹ, sau rồi đi mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học và đi làm. Mỗi một cấp bậc, một khoảng thời gian là một cái gì đó khác so với cái cũ. Môi trường khác, bạn bè khác, thầy cô khác, bạn tập đối mặt với nhiều thách thức hơn và cũng tự mình giải quyết nhiều vấn đề cá nhân hơn. Những nấc thang của sự chuyển đổi theo quy luật tự nhiên ấy không có một khoảng nào cố định, không theo chiều giảm dần mà cũng không phải theo chiều tăng lên.
 Trước khi đi làm, mọi cấp bậc là do sự định sẵn, sau khi đi làm thì mọi thứ nằm trong tay mình. Đi hay ở, đôi khi được quyết định chỉ bởi một sự giận dữ. Khi tôi nhảy việc cũ, tôi không nghĩ nhiều tới lý do tại sao mình phải rời bỏ môi trường này. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản rằng tới lúc tôi cần một môi trường mới khiến tôi hứng thú hơn. Tôi luôn làm mọi việc sao cho khiến mình cảm thấy thoải mái nhất. Bởi chỉ khi bạn thực sự vui vẻ khi làm công việc đó, bạn mới có thể cống hiến hết mình cho nó, sắp xếp mọi khó khăn cuộc sống để đáp ứng với yêu cầu nó đề ra. Còn nếu mỗi ngày đi làm mà là một ngày mệt mỏi và gánh nặng thì dù bạn có tính toán với mục đích gì chăng nữa, bạn cũng sớm bị loại ra khỏi môi trường đó.
 Niềm vui là thứ chúng ta luôn bỏ quên khi nghĩ về chặng đường mình đã trải qua. Chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào cái nguyên nhân gần nhất, hay cái khó chịu được tích tụ từ ngày đầu tiên cho tới ngày nó bung ra quyết liệt nhất để đưa ra quyết định. Chúng ta luôn quên mất những sự hứng khởi ban đầu, những niềm vui nhỏ nhặt hằng ngày hay động lực để làm việc liên tục không ngừng nghỉ mà vẫn cười toe. Liệu khi đứng dậy, in tờ đơn xin nghỉ việc, bạn có thực sự vui? Có quá nhiều thứ trong cuộc sống này đang ràng buộc chúng ta. Tiền lương, đồng nghiệp, bạn bè thậm chí là cả sĩ diện. Chúng bủa vây lấy ta để kìm giữ những điều cân nhắc sáng suốt khi đưa ra quyết định. Chúng làm cho chúng ta quên mất cái cảm giác thật tươi mới khi vừa hoàn thành một dự án, cả team kéo nhau đi ăn khuya rồi cười toe toét như trút một gánh nặng. Hay cái cảm giác ra khỏi văn phòng khi trời tối mịt, đường vắng hoe, hít hà khí trời trong lành, vắng vẻ, đón cơn gió mát hiu hiu mà lòng đầy hứng khởi. Rồi cả niềm hạnh phúc nho nhỏ khi nhận được những sự quan tâm rất đáng yêu nữa.
 Đôi khi, mỗi lần tôi tính nhảy việc vì đôi chân cuồng lên đòi đi, tôi lại nhớ lại những kỉ niệm nho nhỏ đó và tự hỏi nếu bây giờ, chuyển sang một công việc mới, liệu tôi có đủ niềm vui và hứng khởi để làm được nhiều thứ hơn bây giờ không? Bởi suy cho cùng, thành tích hay môi trường mới, thách thức mới gì gì đó mà người ta vẫn lôi ra chẳng phải người ta vui khi có những điều đó thì mới làm hay sao? Nên bạn ạ, hãy gấp lại hết những được hay mất khi nhảy việc đi. Chỉ hỏi bản thân mình rằng liệu bạn có vui khi làm thế không. Hãy quan tâm tới cảm xúc của mình trước nhất bởi nó quyết định rất nhiều hiệu quả công việc của bạn dù ở bất cứ đâu.
Phương Lâm
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Yêu thì chung thủy 1 người, crush thì 4 anh cho đủ 1 lốc sữa chua

Đọc nhiều nhất