Tại sao nói 'người giàu mượn sức, người nghèo bán sức?' - Đọc xong câu chuyện này tôi ngộ ra được nhiều điều
Tin liên quan
Người ta thường nói "Người giàu mượn sức, người nghèo bán sức", bạn có đồng ý với câu nói này không? Theo quan điểm của người viết, giữa người giàu và người nghèo, quả thực không chỉ tồn tại khoảng cách của cải, mà còn tồn tại khoảng cách về mặt tư duy. Vì sao lại nói như vậy? Có lẽ đọc xong câu chuyển "chặt cây" này, bạn sẽ tìm ra được câu trả lời cho mình.
Ngày xưa, có một người nghèo tới mức nhiều khi còn không đủ ăn, đủ mặc, tất nhiên anh cũng tìm cách kiếm tiền nhưng vẫn không thoát khỏi hiện trạng nghèo khó. Vì điều này, anh luôn phàn nàn với người khác về sự bất công của số phận, và rằng dù anh có làm việc chăm chỉ cả ngày tới đâu thì cũng vẫn không thể kiếm được nhiều tiền.
Một hôm, anh đến một ngôi chùa, muốn cầu Phật cho mình giàu có, anh than thở với Đức Phật rằng: "Tại sao những người nghèo như chúng con, dù rất vất vả mỗi ngày nhưng vẫn chỉ đủ ăn uống? Còn những người giàu có lại vui vẻ cả ngày, không cần làm việc chăm chỉ mà vẫn ăn sung mặc sướng? Thật là bất công! "
Nghe thấy người nghèo oán than, Đức Phật hỏi: "Vậy người cảm thấy phải như nào thì mới công bằng?"
Người nghèo dường như thấy được một tia hi vọng, vội vã đáp: "Nếu có thể cho con và người giàu xuất phát ở cùng một vạch xuất phát, làm những công việc giống nhau, con nghĩ chắc chắn mình sẽ kiếm được nhiều hơn họ!"
Đức Phật nghe xong gật đầu, cười nói: "Được thôi, vậy ta cho các người thời gian một tháng, nhưng người phải đồng ý với ta một chuyện, nếu kết quả không giống như người nghĩ, người bắt buộc phải chấp nhận nó mà không bao giờ được kêu ca phàn nàn nữa." Người nghèo ngay lập tức đồng ý.
Vừa dứt lời, Đức Phật biến một người giàu thành người nghèo y hệt như người nghèo kia, cho họ mỗi người một mảnh rừng giống hệt nhau và lập ra quy định: bắt buộc phải chặt hết cây trong vòng một tháng, cây chặt ngày nào có thể đem đi bán lấy tiền ngày đó.
Cứ như vậy, người giàu và người nghèo bắt đầu chặt cây. Nhưng, ở bên khu rừng lại là hai cảnh tượng vô cùng khác nhau.
Người nghèo từ lâu đã quen làm những công việc nặng nhọc, với anh, việc chặt cây đơn giản như cắt miếng bánh ăn vậy, chẳng mấy chốc anh đã đốn được rất nhiều cây, chất lên xe tải chở ra chợ bán lấy tiền. Sau khi kết thúc công việc hàng ngày, người nghèo sẽ mua rất nhiều thức ăn ngon để đãi mình và cũng thường đến các quán rượu để xả hơi.
Người giàu chưa bao giờ làm việc nặng nhọc, cứ làm một lúc lại nghỉ, mồ hôi nhễ nhại, đến tối, người giàu cũng chỉ chặt nửa xe cây đưa ra chợ bán. Người giàu sẽ chỉ tiêu một phần nhỏ của số tiền để mua thức ăn, và giữ lại phần còn lại.
Sau vài ngày như thế này, một ngày nọ, người nghèo vẫn đi rất sớm để chặt cây, còn người giàu thì đi tới khu chợ đông đúc gần đó, một lúc sau, anh đưa về hai người đàn ông quần áo rách rưới tới khu rừng của mình, họ không nói lời nào, lập tức bắt tay vào giúp người giàu chặt cây, trong khi người giàu thì đứng bên cạnh quan sát.
Hai người đàn ông to khỏe, dưới sự chỉ huy của người giàu, chỉ trong vài giờ đã chặt mấy xe cây, người giàu mang cây ra chợ bán, rồi lại thuê thêm một vài người nữa tới chặt cây cho mình. Cuối ngày, ngoài tiền công cho người chặt cây, người giàu còn có tiền mua bánh bao, số còn lại để dành dụm.
Chớp mắt, thời hạn một tháng trôi qua, kết quả có lẽ ai cũng có thể tưởng tượng được. Người nghèo chỉ chặt được một phần ba số cây trong rừng, số tiền kiếm được hàng ngày anh đều dùng để tự thưởng cho bản thân, mua đồ ăn thức uống, căn bản không còn lại gì.
Người giàu thì ngược lại, với sự giúp đỡ của những người khác, anh đã chặt hết cây trong rừng, tiết kiệm được rất nhiều tiền, thậm chí còn dùng tiền để thực hiện nhiều vụ làm ăn buôn bán khác, và chẳng mấy chốc tiền cứ thế đẻ ra tiền. Sau cùng thì người giàu vẫn cứ là người giàu.
Câu chuyện đã kết thúc, bạn có suy nghĩ gì?
Hầu như ai cũng muốn làm giàu và thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Vì vậy, đại đa số mọi người đều sẽ vì tiền mà làm việc. Nếu gặp may, thuận buồm xuôi gió, bạn có thể thay đổi hiện trạng một cách suôn sẻ và thực hiện được ước mơ làm giàu, nhưng, không phải ai cũng có được may mắn này, nhiều người chỉ biết chăm chỉ làm việc, nhận những đồng lương cố định, nhìn người khác làm giàu, rồi oán than số phận bất công, đổ lỗi cho người khác.
Thực tế, không khó để nhận thấy trong cuộc sống, trong cùng một điều kiện, người nghèo luôn chỉ biết lao vào kiếm tiền, tiêu hết rồi lại lao vào kiếm tiền, và cuối cùng, họ vẫn không kiếm được bao nhiêu.
Người giàu thì khác, ban đầu họ cũng sẽ chăm chỉ kiếm tiền, nhưng họ không chỉ biết tích lũy mà còn có tư duy đi mượn lực từ bên ngoài, biết mượn công sức của người khác để kiếm tiền, thậm chí là đi vay tiền của người khác để kiếm tiền, con đường kiếm tiền càng nhiều, tiền tự nhiên sẽ ngày càng nhiều.
Vì vậy, nếu muốn trở nên giàu có và thành công, tư duy "mượn lực" là vô cùng cần thiết, khi bạn biết tận dụng "nhân tài" góp sức cho mình, bạn có thể thành công chỉ với một nửa công sức, bớt phải đi nhiều đường vòng hơn.
Sau cùng, hy vọng rằng bài viết này có thể truyền cảm hứng và giúp ích cho bạn!
Theo Soha.vn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất