Những gì mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là thật, đừng để nhân cách "thầy bói xem voi" trong mình dẫn dắt bằng niềm tin sai lầm
Tin liên quan
Xưa có câu chuyện ngụ ngôn từng được đưa vào SGK có tên Thầy bói xem voi. Chuyện rằng:
"Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau.
Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào.
Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem.
Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.
Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau
Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.
Thầy sờ ngà bảo:
- Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn.
Thầy sờ tai bảo:
- Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.
Thầy sờ chân cãi:
- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình.
Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau tọac đầu chảy máu."
Một câu chuyện giản dị mà hàm chưa nhiều bài học về cách nhìn đời, nhìn người.
Con người hiện đại ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, ai cũng có một nhân cách "thầy bói xem voi" trong mình. Ai cũng có xu hướng thích đánh giá một người/một việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân thay vì lắng nghe, tìm hiểu từ nhiều phía để có một cái nhìn toàn diện nhất, gần nhất với sự thật. Nhất là khi, niềm tin cá nhân ngày càng lớn và niềm tin vào cuộc đời ngày càng bé mọn đi.
Có phải cuộc sống này giả dối, lừa lọc quá nhiều nên mới khiến niềm tin trở thành thứ xa xỉ? Càng trưởng thành, người ta càng nhìn cuộc đời bằng con mắt cảnh giác, dè chừng, nghi kị. Cũng phải thôi khi những thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhan nhản, cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội khiến những người từng là nạn nhân thở dài ngao ngán “mét vuông chục kẻ lừa đảo”.
Những người thận trọng thường nghĩ rằng mình là kiểu người có thấy mới tin, nhưng đôi khi chúng ta cũng đừng nên quá tin vào những gì mình thấy. Bởi cái chúng ta thấy chưa chắc đã là sự thật nguyên bản mà là thứ “sự thật” mang theo thiên kiến chủ quan.
Những gì mắt thấy tai nghe chắc gì đã đúng.
Mới đây, một Facebooker có tên P.T.T đã chia sẻ quan điểm của mình về hình ảnh những người phụ nữ Mông gắn nụ hoa trà vào cành mận, bán trên đường ở Mộc Châu. Theo những gì anh chia sẻ thì gần đây anh thấy nhiều người chia sẻ hình ảnh này kèm theo cảnh báo cẩn thận bị lừa. Vốn hiểu rõ sự tình, anh đã lên tiếng giải thích cho hình ảnh “nhìn thế mà không phải thế”, cụ thể anh viết:
“Thứ nhất, những người phụ nữ ngồi gắn những nụ hoa ấy giữa thanh thiên bạch nhật, không che giấu gì cả. Họ ngồi bán hàng trong sương giá, và ngồi gắn những nụ hoa ấy như một cách giải trí, như cách các nghệ nhân miền xuôi ngồi tỉa thuỷ tiên, như phụ nữ Nhật tỉ mỉ ikebana.
Thứ hai, người Mông ở Mộc Châu gắn hoa trà vào cành mận từ nhiều năm nay, và bán những cành hoa ấy như một sản phẩm chế tác, thậm chí có người còn bán đắt hơn hoa mận thật, vì công sức bỏ ra nhiều hơn, và dưới mỹ cảm của họ, nó đẹp hơn hoa mận thật.
Thứ ba là yếu tố văn hoá. Tết của người Mông đến sớm hơn đúng 1 tháng so với Tết Nguyên Đán. Lúc ấy hoa mận chưa nở rộ, nhưng trên những triền đồi, những cây trà rừng đã nở đầy hoa trắng. Để trang trí nhà cửa, bà con lấy nụ trà gắn vào cành mận và khoe với nhau về sự khéo tay của mình. Khi qua Tết, khi ra quốc lộ bán đào mận cho người Kinh, họ làm những cành hoa như thế, như một cách giải trí, và bán cho những người hiểu và trân trọng sự khéo léo của họ.”
Nguyên văn bài đăng của Facebooker P.T.T.
Thú chơi hoa là một trong những thú vui ngày Tết được nhiều người quan tâm. Những năm gần đây, nhiều người không còn chuộng những cây đào được uốn tạo kiểu mà thích cái gì đó độc lạ, hoang sơ càng tốt. Những cành đào, mận rừng ở miền núi trở nên vô cùng đắt khách. Nhiều người không ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng để có được cành hoa rừng như ý để đón Tết. Thế nhưng vấn nạn hoa giả được gắn vào cành cây khiến người ta không khỏi dè chừng, sợ mất tiền mà lại mang về cành hoa “pha ke”.
Một Facebooker khác xác nhận không có sự lừa lọc nào ở đây cả.
Chính vì sự đa nghi, cảnh giác cùng hiểu biết hạn chế, hoặc cũng có thể vì câu like mà nhiều người quy chụp việc những phụ nữ Mông gắn hoa trà vào cành mận là lừa lọc. Bài đăng của anh P.T.T đã thu hút hàng nghìn lượt like và gợi nhiều suy ngẫm về niềm tin. Đôi khi, không phải người ta tin những gì mình thấy mà thật ra họ chỉ tin những thứ họ muốn tin với định kiến của mình.
Em bé rạng rỡ cầm cành mận gắn hoa trà trên tay.
Dưới bài đăng của anh P.T.T, một Facebooker khác cũng để lại bình luận đáng suy ngẫm:
“Em mua một cái ruộng ở trước cửa nhà để trồng rau. Một hôm tự nhiên thấy một bác ra rào cái cổng lại. Em đứng trên tầng hai nhìn thấy và phi ngay xuống, trong đầu chỉ duy nhất suy nghĩ là họ thấy mình mua nên họ rào chắn lại không cho đi. Và chuẩn bị tinh thần nếu đúng sẽ bắt tháo ra bằng được (kiểu không thể chịu thua). Em ra hỏi bác (cũng nhẹ nhàng thôi), bác bảo trâu nó phá quá bác rào lại hộ cho. Choáng lần 1. Hôm sau nhìn xuống ruộng thấy bác đang đứng tưới rau hộ (vì ruộng bác ngay cạnh). Choáng lần 2. Máy hôm sau nữa thấy mấy luống cà chua tự nhiên được cắm que cho leo. Choáng lần 3.
Đôi khi mình nghĩ mình khôn, mình có sức mạnh và mình nhìn đời kiểu cảnh giác xong rồi tự thấy xấu hổ.”
Một góc nhìn khác về niềm tin.
Thực ra việc tin vào những gì mắt thấy tai nghe và rồi xấu hổ vì nhầm lẫn là hiện tượng tâm lý bình thường của con người. Đến bậc thánh nhân như Khổng Tử cũng có lúc mắc sai lầm như vậy. Chuyện kể rằng, một lần Khổng Tử vô tình thấy đệ tử Nhan Hồi ăn vụng khi đang nấu cơm trong bếp. Khổng Tử buồn bã, lẳng lặng bỏ đi và nghĩ: “Trước giờ Nhan Hồi là một đệ tử tốt, nay sao lại ra nông nỗi này, trở nên thấp hèn như vậy?”. Đến giờ cơm, Nhan Hồi không ngồi vào bàn ăn, khi được hỏi thì ông nói: “Thưa thầy, lúc nấu cơm, một cơn gió thổi bụi rớt vào nồi, con đã lấy lớp cơm bị bụi bẩn ra ăn vì thấy không nên bỏ phí, xem như con đã ăn phần cơm của mình”. Nghe vậy, Khổng Tử cảm thấy hổ thẹn trong lòng: “Ta sống mấy mươi năm, dạy biết bao học trò, không ngờ vẫn có lúc hồ đồ, thiếu suy nghĩ”. (Theo Giác Ngộ Online)
Thực ra đến bậc thánh nhân cũng có lúc mắc sai lầm vì cái nhìn chủ quan.
Nhận thức, suy nghĩ của con người được hình thành dựa trên những gì họ tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của lối tư duy, định kiến xã hội và trạng thái tâm lý của chính bản thân. Vậy nên con người mắc không ít những sai lầm khi đánh giá bản chất sự việc chỉ dựa trên những gì mình thấy.
Vậy nên, đừng vội tin vào những gì mình nhìn, nghe thấy, thậm chí cũng đừng tin vào suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ là do con người tạo ra, nó không phản ánh bản chất của sự thật. Trước bất kỳ sự việc gì cũng cần bình tĩnh, sáng suốt, suy xét về mọi mặt, tự đặt ra cho mình những câu hỏi. Chẳng hạn như tại sao người ta lại làm như vậy? Liệu có lý do gì khác không? Đừng để bản thân bị chi phối bởi định kiến hoặc cảm xúc yêu ghét, như vậy sẽ rất dễ bị kẻ khác “dắt mũi” với những niềm tin sai lầm.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất