Thời đại của MXH và những đám đông rộn ràng: Là ‘thương thương’ hay sự ganh đua khắc nghiệt?
Tin liên quan
Cách đây 20 năm, thật không bình thường nếu ai đó mang một cuốn album ảnh đến buổi họp lớp để khoe những tấm hình hình chụp con mèo ở nhà, ảnh chụp mình nằm trong bồn tắm thư giãn, ảnh con cái đi học buổi đầu, ảnh chụp bộ nail mới, ảnh tập lái ô tô, rồi loạt nội thất bên trong căn hộ mới tậu…
Nhưng sau 20 năm, mọi thứ đã khác.
Con người của hiện tại sẵn sàng mở toang cuộc sống của mình trước thế giới, chẳng còn sợ nhận về những cái nhìn ái ngại. Ai cũng có thể đưa chân vào ngó nghiêng thế giới của người khác, chẳng còn lo bị người đời cho là tọc mạch.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã tuyên bố sứ mệnh: “Đưa thế giới lại gần nhau hơn”. Và họ đã làm được. Khoảng cách nửa vòng Trái Đất chẳng là “cái đinh gỉ” gì khi chúng ta vẫn nhìn thấy nhau mỗi ngày, vẫn cập nhật tình hình “vui chơi nhảy múa” của nhau mọi nơi mọi lúc, vẫn có thể gọi cho nhau dễ dàng ngay cả khi không cùng sóng điện thoại quốc gia, tha hồ buôn cả ngày mà chẳng tốn một xu nào.
Đâu chỉ Facebook, những nền tảng Instagram, Tiktok, Twitter… cũng là một ô cửa đầy mời gọi, giúp người ta thoát khỏi cảm giác buồn chán chỉ với những thông báo đầy hứa hẹn. Cuộc sống của thời đại số đang diễn ra như vậy, bùng nổ những kết nối và choáng ngợp trước những lượt chia sẻ vội vã.
Chúng ta chẳng nhất thiết phải lao ra đường như trước đây chỉ để tìm kiếm cộng đồng sinh hoạt, bởi các hội nhóm trên mạng đang đăng bài năng nổ, tranh luận hăng say mỗi giờ. Và việc thể hiện bản thân bỗng trở nên thật dễ dàng, khi mỗi người đều có một sân khấu để xây dựng hình ảnh và tự trở thành ông bầu của chính mình.
Vì sao chúng ta dễ “nghiện” mạng xã hội?
Bằng việc chụp cộng hưởng từ MRI, các nhà khoa học khám phá ra được rằng khi con người tự nói về mình, não bộ sẽ có cảm giác hài lòng thoả mãn như khi quan hệ tình dục hay được ăn uống.
Ở một nghiên cứu khác, những đứa trẻ khi còn nhỏ thường có những hành động nhằm bố mẹ và những người thân chú ý đến nó. Khi trưởng thành, con người vẫn có xu hướng thể hiện về mình như thời thơ ấu, chỉ là cách thức thì khác đi. Sử dụng mạng xã hội cũng là một cách để con người thể hiện cá tính, và nhờ đó, nó kích hoạt hệ thống “trao thưởng” trong não bộ bằng cách tiết ra dopamine – một loại hormone tạo cảm giác dễ chịu. Bạn càng được “thưởng” nhiều, bạn càng muốn dùng nó nhiều hơn, dù cho nó có tác động không tốt tới những khía cạnh khác trong cuộc sống. Không khó hiểu vì sao nhiều người coi mạng xã hội như một loại “ma tuý tinh thần", nếu không được “online” sẽ đứng ngồi không yên, bứt rứt khó chịu.
Từ bao giờ, cuộc đời ảo đã làm “tê liệt” cuộc đời thực?
Mở mắt ra, việc đầu tiên của nhiều người là tìm smartphone để lướt Facebook, Tiktok để xem mình có bỏ lỡ điều gì trong khi đi ngủ hay không. Bạn sợ bị ngoài lề trong cuộc tám chuyện ở công ty nếu bỏ lỡ những tin tức hay trào lưu mới nhất, bạn lo lắng liệu mình có bỏ lỡ tin nhắn hay lời mời kết bạn của ai đó hay không. Hoặc cũng có thể bạn thấy buồn chán và cô đơn, và cần một cách để đánh lạc hướng bản thân khỏi những tâm trạng khó chịu.
Đập vào mắt bạn là quảng cáo, đủ thứ chuyện bên lề về giới showbiz, loạt bài đăng từ bạn bè. Sân chơi toàn cầu ấy cho chúng ta thấy những cuộc đời hoàn hảo.
Một cô gái xuất bản thành công cuốn sách đầu tay khi vừa bước sang tuổi 20. Những làn da căng mượt đẹp không tì vết. Cậu bạn 25 tuổi đã đặt chân được tới 25 đất nước. Anh chàng học cùng khoá với bạn đã có 10 con số trong tài khoản sau một thời gian đầu tư chứng khoán và bất động sản, trong khi bạn vẫn đang thất thần ngồi trước màn hình máy tính như “zombie” chỉ để nhận đồng lương còm. Cặp đôi nọ tới Paris để chụp ảnh cưới, bạn thì không thể ngăn mình băn khoăn chuyện lẻ bóng và phải chăng bản thân đã bỏ lỡ cơ hội lập gia đình.
Thả nhẹ một cú “like”, bạn để lại một bình luận xuýt xoa hời hợt cùng mặt cười thân thiện như bao lần. Chỉ mình bạn biết mình đang không ổn. Đám đông rộn ràng ấy ai cũng có ngoại hình đẹp, thành công và giàu có xa hoa, hơn bạn. Con cái của họ tròn trịa mũm mĩm, thông minh sáng dạ, hơn con của bạn. Tất cả đều trông có vẻ hạnh phúc viên mãn, hơn bạn. Vốn đã căng thẳng ở thế giới thực, những tưởng đến với thế giới ảo sẽ giúp thoát ly khỏi thực tại để xoa dịu chính mình, nào ngờ bạn lại cảm thấy tệ hơn. Xáo trộn, bứt rứt và ghen tị trước bữa tiệc linh đình qua cửa sổ nhà người khác, bạn thấy cuộc đời mình chỉ là một chuỗi sai lầm.
Nhưng có những điều có thể bạn chưa biết. Sự thật là, đa phần chúng ta quên mất mình đang so sánh hậu trường của bản thân với sân khấu của người khác. Sự thật là, chúng ta chẳng thể biết cuộc sống thật sự phía sau màn hình của nhau như thế nào, nếu chỉ kết nối qua mạng. Cô gái 20 tuổi ấy phải bỏ tiền túi để tự xuất bản sách, chứ văn chương của cô gửi đi chưa đủ “chín” để có một nhà xuất bản nào đó chủ động ngỏ lời. Đằng sau những làn da căng mọng trắng như tuyết là mụn sẹo lỗ chỗ được phủ lên 7749 lớp filter. Cậu bạn 25 tuổi đã vài lần hoảng loạn khi lạc đường và đánh rơi giấy tờ quan trọng nơi xứ người. Anh chàng học cùng khoá với bạn thực ra đã chia sẻ ảnh chụp số dư tài khoản… của người khác, nhằm đánh bóng hình ảnh bản thân để lôi kéo người khác bỏ vốn đầu tư cùng mình. Trên đường dến Paris, cặp đôi nọ cãi vã liên miên không ngớt tới mức suýt “đường ai nấy đi”, nhưng chẳng có tấm hình nào ghi lại.
Mạng xã hội là nơi con người giấu đi bản thân và chỉ trưng ra một cuộc sống họ muốn người khác thấy. Những điều chân thực sẽ chẳng được đăng tải, chỉ bởi chúng chẳng thu hút sự chú ý. Ngày ngày, người ta gọt tỉa lại cuộc sống thực của mình để đem lên mạng trưng bày một phiên bản trọn trịa không tì vết, nhưng sâu bên trong lại thầm ghen tị với cuộc sống hoàn mỹ người khác khoe ra.
Chưa kể, dường như mạng xã hội cũng đã góp phần “drama” hoá mọi thứ. Một câu chuyện đơn giản, dễ giải quyết cũng có thể trở thành một vụ thị phi được lan truyền cộng hưởng như ngọn lửa lớn bùng cháy mạnh mẽ. Thế giới của chúng ta được phơi bày không giấu giếm trên mạng xã hội, ai cũng có thể bước vào và để lại phán xét đầy sát thương. Mạng xã hội là ảo, nhưng sự tổn thương để lại là thật.
Độc hại là vậy, nhưng CÓ THỂ và CÓ NÊN từ bỏ mạng xã hội?
Dẫu sao vẫn phải khẳng định một điều, việc con người ngày này sống không hạnh phúc không thể đổ lỗi hoàn toàn cho mạng xã hội. Thực chất, mạng xã hội chỉ là một tác nhân khơi dậy những nỗi sợ, những niềm sân si và tự ti sẵn có bên trong mỗi con người.
Mỗi thời đại khác nhau có những trở ngại khác nhau trên hành trình phát triển bản thân của con người. Ở thời đại này, trở ngại ấy là mạng xã hội. Ở thời đại khác chắc chắn sẽ lại có những trở ngại khác. Để tìm được sự bình yên trong tâm hồn, tự thân mỗi chúng ta phải biết tu dưỡng, sống biết đủ, tin vào giá trị bản thân mình.
Vì thế, từ bỏ mạng xã hội không phải là một giải pháp triệt để để sống hạnh phúc. Hơn nữa, đây là thời đại công nghệ với việc giao tiếp dựa trên nền tảng số, bài trừ thế giới ảo không giúp chúng ta thích nghi và phát triển hơn khi mỗi ngày có rất nhiều thông tin hữu ích được chia sẻ trên mạng xã hội. Thay vì từ bỏ, tại sao bạn không thiết lập sức đề kháng tâm lý cho chính mình giữa môi trường mạng?
Ảnh: Unsplash.
Thiết lập sức đề kháng tâm lý giữa thời MXH lên ngôi: Tách khỏi đám đông đúng lúc để lắng nghe tiếng nói bên trong mình
Tâm trạng của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những thứ chúng ta thấy trên mạng mỗi ngày. Nếu như tinh thần của bạn dễ bị bất ổn bởi những bình luận và lượt yêu thích bạn nhận được, dễ bận tâm tới những dòng trạng thái của người khác thì có lẽ bạn đang bị tác động mạnh bởi các nền tảng mạng xã hội. Tốt hơn hết là dành cho mình thời gian nghỉ ngơi, tạm dừng mạng xã hội mỗi tuần một lần, hoặc xoá bớt ứng dụng khỏi smartphone và chỉ trở lại khi đã sẵn sàng.
Cuộc sống bên ngoài có rất nhiều điều để tận hưởng và trải nghiệm. Thay vì cứ mãi bực tức vì những lời phán xét từ những người lạ trên mạng, hãy bước ra ngoài đời thực và sống thật trọn vẹn. Thay vì những sự kết nối ảo hời hợt, bạn có thể xây dựng những mối quan hệ với sự kết nối sâu sắc về cảm xúc, với vòng tròn xã hội nhỏ hơn nơi có những người chấp nhận sự khác biệt của bạn mà không chỉ trích hay đánh giá.
Và mạng xã hội, cũng có thể trở thành một công cụ đắc lực để người trẻ phát triển bản thân nếu biết "gạn đục khơi trong". Sự thanh lọc ấy có nghĩa là bỏ theo dõi những người/trang/nhóm không cần thiết hoặc không phù hợp với lượng kiến thức mà bạn muốn cập nhật mỗi ngày. Tương tự, bạn có thể tìm và chọn lọc ra những nguồn thông tin chất lượng để ấn nút “follow”, để mỗi lần “online” đều đọc được những điều hay ho. Nhờ đó, việc lướt mạng xã hội không còn là vô nghĩa.
Nhận về lợi ích tiêu cực hay tích cực từ mạng xã hội đều tuỳ thuộc vào hành vi của người dùng. Đã đến lúc chúng ta thiết lập ranh giới của bản thân trên môi trường ảo, khoanh vùng “thế giới” của mình cho những cái tên thân thiết thay vì tất cả, và quan trọng, biết tách khỏi đám đông đúng lúc để lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
Vy Cầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất