Khó khăn: Vượt qua được chính là món quà cho người trưởng thành, nếu mắc kẹt lại, nó sẽ là cái hố không đáy bóp nghẹt bạn
Tin liên quan
Trải qua thất vọng và đau đớn, càng trở nên mạnh mẽ hơn
Không biết các bạn có từng trải qua những lúc thế này chưa: Thực ra bản thân không gặp đả kích gì, không bị thất bại, cũng không gặp xui xẻo, nhưng lại cảm thấy chán nản một cách khó hiểu, lười để ý đến người khác và cuộc sống xung quanh, chỉ muốn lặng lẽ trong góc nhỏ thuộc về chính mình, sống trong thế giới riêng của mình, dù chỉ là trong khoảnh khắc.
Ngày trước có một đọc giả từng kể với tôi: Anh ta có một thói quen, chính là sau khi tan sở, thường ngồi trong văn phòng thêm nửa tiếng rồi mới về nhà. Nhưng anh ta không làm gì cả, chỉ lặng lẽ uống trà, nghe nhạc, và lật vài trang sách còn đang đọc dở ra xem.
Tôi nghĩ có lẽ do áp lực công việc, những chuyện nhỏ nhặt của gia đình, hoặc vài chuyện phức tạp nào đó trong cuộc sống đã khiến anh ta cảm thấy mệt mỏi nên mới như vậy. Mà thời gian cô độc một mình này, chính là thời gian anh ta tự đưa ra để điều chỉnh lại cảm xúc cá nhân của mình. Bởi vì anh ta không muốn đem phiền não về nhà, làm phiền vợ con, gia đình.
Có người từng nói rằng, trong thế giới của người trưởng thành, hai từ "dễ dàng" thật sự không dễ dàng chút nào. Có lẽ, càng trưởng thành lại càng cảm thấy cô đơn.
Cả một con đường chạy đua về phía trước, chúng ta học cách kiên cường, học cách nhẫn nhịn, học cách chấp nhận những việc cố gắng hết sức nhưng vẫn không như ý nguyện...
Nhưng có đôi khi, thứ khiến chúng ta gục ngã, không phải là chuyện gì đó lớn lao, mà chỉ là vài việc nhỏ trong mắt người khác. Chúng ta bị mắc kẹt trong khó khăn, không phải là chưa tìm ra cách thoát thân, mà vì chúng ta mơ hồ, chúng ta chùn bước, chúng ta sợ sệt hay thậm chí là muốn nghỉ ngơi.
"Tôi không phải đau vì dùng chân không leo núi, tôi đau vì dùng chân không chạy trên cát." Nghe được câu này, có lẽ nhiều người sẽ cười nhạo bạn vì làm quá vấn đề. Nhưng chỉ có bạn biết, hàng ngàn con đường cát lẫn đá nhọn bạn đã đi qua, đã dần bào mòn niềm tin và ý chí của bạn, khiến bạn chán nản đến thế nào?
Nhưng bạn biết không, nếu bạn dừng lại, trước mặt bạn vẫn chỉ là những lời cười nhạo, còn sau lưng bạn, cũng chỉ có con đường cát vàng mịt mờ xa xăm.
Vì vậy, hãy học cách tự an ủi bản thân trong thầm lặng, cũng học cách tiêu hủy năng lực tiêu cực của chính mình trong thầm lặng đi thôi.
Học cách tự chữa lành vết thương, tự khích lệ chính mình
Có người nói rằng, tuổi tác càng cao, lại càng ít nói chuyện và thích yên tĩnh. Vì có một số lời, tìm không ra người thích hợp để nói, cũng tìm không thấy người có thể thật sự tin tưởng để bày tỏ nỗi lòng. Có khổ, có mệt, cũng cắn răng mà chịu đựng. Bởi vì trưởng thành rồi, ai cũng rất bận, không ai rảnh đi trải nghiệm thứ bạn trải qua, cũng không ai rảnh để cảm nhận nỗi đau bạn đang gặp.
Lúc trước có một đoạn thời gian tôi luôn cảm thấy chán nản và bất lực. Thứ nhất, có thể là do cơ thể quá mệt mỏi mà không có cách nào để bổ sung năng lượng thiếu sót. Thứ hai, có thể là do mục tiêu đặt ra cho bản thân quá cao, nên thường không hài lòng với chính mình.
Mặc dù đối với bạn bè, tôi luôn là một người tích cực, nhiệt huyết, không biết gục ngã hay chán nản là gì. Nhưng thỉnh thoảng khi có một mình, tinh thần tôi đôi lúc thật sự có phần sa sút. Bởi vì mỗi ngày có rất nhiều việc, nhiều kế hoạch và yêu cầu cho chính mình. Cuộc sống không cho phép tôi dừng lại nghỉ ngơi quá lâu, cũng không cho phép tôi chìm đắm trong những cảm xúc chán nản quá lâu.
Thế nên để điều chỉnh, tôi thường dành ra cho mình những khoảng lặng, khóa facebook, không tám chuyện với người khác, ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, đọc sách, uống trà, ngắm cảnh,... Như vậy, tôi rất nhanh có thể thoát ra khỏi trạng thái tiêu cực của chính mình.
Có nhiều khi, chúng ta không còn nguyện ý kể cho người thân, bạn bè nghe về lo lắng và nỗi buồn của mình như khi còn nhỏ nữa. Ngoài việc không muốn làm phiền họ, quan trọng hơn là, chúng ta đã học được cách tự khích lệ và tự chữa lành vết thương cho mình.
Khi còn trẻ, mỗi người đều nghĩ rằng, thật lòng có thể đổi lấy sự thấu hiểu, khó khăn có thể chia sẻ và an ủi lẫn nhau.
Nhưng sau một thời gian lăn lộn trong xã hội rồi ta mới phát hiện ra, mỗi người đều có phiền não riêng. Ngoài việc tự học cách chữa lành vết thương ra, sẽ rất khó để gặp được người giúp bạn.
Chúng ta sinh ra không phải người mạnh mẽ, nhưng chúng ta được sinh ra để học cách trở nên mạnh mẽ
Chúng ta cố gắng kiên cường, không phải để vượt mặt người khác, mà để vượt qua khó khăn, buồn phiền của chính bản thân.
Người khác có thể cho bạn sự an ủi và khích lệ, nhưng bạn mới là người tự vượt qua đau đớn và rắc rối của chính mình.
Bởi vì cuộc sống của mỗi người, dù là đắng hay ngọt đều do tự mình trải nghiệm. Con đường của mỗi người, dù quanh co hay bằng phẳng đều phải tự mình đi.
Đồng thời, bạn cũng nên tìm ra cách giải stress riêng của mình, không nên ép bản thân quá căng thẳng, cũng không nên buông thả bản thân quá mức.
Như vậy, chúng ta có thể kiểm soát và cân bằng cuộc sống.
Mỗi người mạnh mẽ đều có một đoạn thời gian tự mình cắn răng chịu khổ, không ai giúp đỡ, không ai ủng hộ, cũng không ai sưởi ấm.
Tôi từng xem qua một câu nói thế này: "Thế giới này làm gì có đưa than ngày tuyết rơi, chỉ có dệt hoa trên gấm thôi. Bạn muốn được người khác dệt hoa trên gấm, trước tiên bạn phải trở thành gấm đã." Xã hội luôn thực tế như vậy đó. Thế nên, bạn phải học cách tự mình vượt qua mọi chuyện.
Khó khăn, nếu bạn vượt qua được chính là món quà cho người trưởng thành, nếu không vượt qua được sẽ trở thành cái hố sâu.
Mong rằng mỗi người chúng ta đều sẽ thuận lợi trên bước đường đã chọn, cũng như học được cách vượt qua mọi khó khăn.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất