Khi còn trẻ ai cũng từng mắc sai lầm, hãy tha thứ cho bản thân để cuộc sống vơi bớt đi mỏi mệt
Tin liên quan
Trên hành trình trưởng thành, sai lầm là điều khó tránh. Có thể đa số chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm tương tự nhau nhưng mỗi người lại có một câu chuyện riêng. Không phải ai cũng thẳng thắn nhìn nhận lại sai lầm của mình trong quá khứ, nhất là khi nó gợi lại cho họ những cảm xúc như tổn thương, xấu hổ. Một khi bạn dám đối mặt với sai lầm của mình, đó là khi bạn đã trưởng thành, mạnh mẽ và dũng cảm hơn rồi. Nếu phải kể ra những sai lầm lớn nhất của tôi trong quá khứ, thì có lẽ dưới đây là những điều tôi hối tiếc nhất.
Không có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân
Cụm từ “tài chính cá nhân” có vẻ to tát với nhiều người nhưng cách hiểu đơn giản nhất là quản lý việc kiếm tiền, tiêu tiền và tiết kiệm tiền. Đa số chúng ta đều không được học về quản lý tài chính cá nhân một cách bài bản, khoa học. Chúng ta bước vào đời, kiếm được những đồng tiền đầu tiên và vẫn không biết phải sử dụng thế nào cho hợp lý.
Chúng ta cũng mày mò tìm hiểu cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm để học theo nhưng thường thất bại. Bởi kinh nghiệm của người khác, hay những bài báo chỉ đưa ra một vài phương pháp cụ thể với một góc nhìn hạn chế. Những phương pháp ấy có thể không phù hợp với tất cả mọi người, đó là lý do khiến chúng ta thất bại khi áp dụng. Cái chúng ta thiếu là một tư duy đúng đắn về tài chính cá nhân, chúng ta cần một cái nhìn rộng lớn, xuyên suốt hơn việc căn ke tiết kiệm từng đồng.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, tài chính cá nhân được người ta thảo luận rộng rãi hơn. Nhiều người đã đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình về tài chính cá nhân để chia sẻ rộng rãi. Lần đầu tiên tôi được tiếp cận những tư duy, phương pháp quản lý tài chính cá nhân một cách khoa học, hiệu quả.
Trong số những thứ mà chúng ta nhất thiết phải học trong đời thì kiến thức về quản lý tài chính cá nhân chính là thứ thiết yếu cần phải học nhất. Việc kiếm tiền và tiêu tiền gắn chặt với cuộc sống của đại đa số chúng ta, vì thế thật khó để có được cuộc sống chất lượng nếu không biết quản lý tiền bạc một cách hiệu quả.
Xài hao sức khỏe
Ở những năm tháng 20, chúng ta chẳng có gì nhiều ngoài tuổi trẻ và một sức khỏe vẫn còn đang độ sung mãn. Cũng vì thế mà nhiều người đã bào sức không thương tiếc vì cậy mình còn trẻ, khỏe. Học hành hay làm việc quá sức cũng là một dạng bào sức khỏe, nhưng ít ra nó còn đem đến một giá trị nào đó. Còn có một kiểu xài hao khác là thức khuya, ăn uống kém lành mạnh và lười vận động. Bạn có bao giờ tự hỏi việc thức khuya lướt TikTok hay cày một bộ phim liệu có quan trọng không? Khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ rằng đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu không biết giữ gìn sức khỏe, đến khi bước qua ngưỡng tuổi 30 thôi là bạn đã thấy cơ thể xuống cấp, những vấn đề về sức khỏe bắt đầu xuất hiện. Một trong những thứ hữu hạn nhất trên đời là sức khỏe, vì thế nếu bạn cứ xài hao thì tương lai sẽ phải trả giá.
Không xây dựng một mối quan hệ tình cảm lành mạnh
Vẫn biết tình yêu là chuyện của trái tim chứ không phải lý trí, nhưng bạn có công nhận rằng tình yêu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta? Khi ở độ tuổi hai mươi, chúng ta thường nghĩ rằng ở tuổi này cứ yêu đương và trải nghiệm đi, chưa cần phải vội xác định. Nhưng để tìm được một người phù hợp và tiến tới hôn nhân, chúng ta phải dành nhiều thời gian và công sức.
Những năm tháng hai mươi tôi mắc nhiều sai lầm trong chuyện tình cảm. Tôi mắc kẹt trong những mối quan hệ gây đau khổ và vẫn bị ám ảnh sau khi đã kết thúc nhiều năm. Nó từng bòn rút sức khỏe của tôi, khiến tôi không thể tập trung cho công việc hay những khía cạnh khác trong cuộc sống. Tôi thời trẻ, hoặc là cố chấp đơn phương một người không bao giờ dành tình cảm cho tôi, hoặc là hẹn hò đại với một người cho đỡ cô đơn, cho bằng bạn bằng bè.
Sau này tôi mới ý thức rằng nếu mình tìm thấy một người phù hợp thì hãy ở bên họ, không thì cũng đừng cố cưỡng cầu, làm mất thời gian của nhau. Không có người yêu cũng không sao cả, đừng vì áp lực đồng trang lứa mà phải miễn cưỡng chọn đại lấy một người.
Không sống đúng với bản chất của chính mình
Bản thân tôi là một người hướng nội nhưng luôn cố gắng gò ép bản thân theo cách sống của một người hướng ngoại. Thời đi học, cô giáo từng ghi trong sổ liên lạc với phụ huynh rằng tôi cần hòa đồng hơn. Tôi coi đó là điều nhục nhã, xấu hổ. Tôi cũng không có nhiều bạn bè mà chỉ có vài người bạn thân. Tôi từng rất ngưỡng mộ những bạn hướng ngoại, họ quảng giao, hay nói, dễ bắt chuyện làm quen với người khác. Đó là điều mà tôi cố gồng cũng không làm được. Tôi từng miễn cưỡng đi tụ tập uống cà phê, hát karaoke với bạn bè rồi đăng ảnh lên Facebook để chứng tỏ tôi cũng có bạn bè, tôi không phải lúc nào cũng chỉ biết ru rú ở nhà.
Sau này khi những kiến thức về tâm lý được phổ cập, số đông cũng bắt đầu mở lòng chấp nhận sự khác biệt của người khác hơn trước. Kiểu người như tôi bắt đầu được nhìn nhận với những đặc tính riêng của người hướng nội. Tôi được sống đúng với bản chất của mình mà không phải tự dằn vặt trách móc sao mình không cởi mở, sao không ra ngoài đi chơi nhiều hơn. Tôi hoàn toàn thoải mái với việc chỉ “ru rú” ở nhà, xem phim, viết blog hay làm bất cứ điều gì một mình.
Học hỏi từ sai lầm nhưng hãy bao dung với quá khứ
Có rất nhiều điều tôi muốn khuyên nhủ phiên bản quá khứ của mình nhưng rồi tôi lại nghĩ ở thời điểm ấy chắc gì tôi đã nghe. Chúng ta có thể học hỏi từ những sai lầm, từ sai lầm của bản thân đến sai lầm của người khác. Nhưng có những bài học mà tự bản thân mỗi người phải trải qua thì mới thấm. Có những điều mình biết là sai rành rành, thấy những tấm gương nhãn tiền nhưng đến lượt mình thì vẫn phạm phải. Ai cũng có một thời “trẻ trâu”, trải qua những sai lầm mới trưởng thành lên được. Vậy nên, dù quá khứ chúng ta từng sai lầm thế nào thì hãy nhìn nhận lại bằng một ánh mắt bao dung thay vì dằn vặt, trách móc.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất