Loại cây có hoa đẹp nhưng lá rất độc và đây là cách giải độc nếu lỡ ăn phải

Loại cây có hoa đẹp nhưng lá rất độc và đây là cách giải độc nếu lỡ ăn phải

2017-05-19 10:29
- Trúc đào là cây thuốc trong đông y điều trị nhiều bệnh và rất tốt cho người suy tim. Nhưng nếu không may ăn phải lá trúc đào nguy cơ bị ngộ độc cao.

Loại cây có độc tố ở mọi bộ phận

Hiện nay, cây trúc đào được trồng phổ biến làm cảnh trên rất nhiều các tuyến phố ở các đô thị lớn. Loại cây trúc đào có hoa nở rất đẹp, nhưng ít người biết cây trúc đào mang độc tố có thể gây tử vong nếu chẳng may ăn phải.

Đại tá, Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho hay, trúc đào có nhiều tên gọi khác nhau như: giáp trúc đào, đào lê, trước đào. Trúc đào không phải là loại cây bản địa mà nó được du nhập vào Việt Nam.

 “Độc tính của cây trúc đào có trong tất cả các bộ phận của thân cây đặc biệt là nhựa cây. Trong quá trình thu hái thuốc lá trên rừng không may lẫn một vài lá cây trúc đào có thể gây nguy hại sức khỏe của người lớn và tử vong ở trẻ nhỏ. Trong y văn đã từng ghi nhận những trường hợp tử vong do dùng cành cây trúc đào để nướng thịt và uống rượu được nút chai bằng gỗ cây trúc đào. Ở một vài nơi người ta còn dùng nhựa cây trúc đào để làm bả diệt chuột…”, Lương y Bùi Hồng Minh cho hay.

Không may ăn phải trúc đào giải độc bằng cách nào?

Bị ngộ độc trúc đào cần phải cố gắng nôn để giảm bớt độc tố.

Độc tính có trong cây trúc đào rất mạnh có thể tử vong sau khi ăn nếu không biết cách sơ cứu kịp thời. Trong cây trúc đào có nhiều độc tố nhưng đáng chú ý nhất là 2 loại độc tốc oleandrin và neriin, ngộ độc glicosid tim mạch. Người ăn phải cây trúc đào thường có những triệu chứng chóng mặt, đau bụng, nôn nhiều, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân tiến triển nặng có thể bị trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn ăn 10-20 lá trúc đào có thể nguy hiểm tới tính mạng, trẻ nhỏ ăn 1 chiếc là trúc đào có thể bị tử vong.

Trong trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc trúc đào, nạn nhân cần phải nhanh chóng gây nôn. Cách gây nôn như sau dùng bàn chải đánh răng chải sâu xuống phía dưới hầu. Sau khi, bệnh nhân nôn xong nên để nạn nhân nằm ở tư thế an toàn (nằm nghiêng) trong khi đợi xe cấp cứu tới. Hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở gần nhất để được hỗ trợ.

Giá trị chữa bệnh của cây trúc đào

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, trong đông y, trúc đào có vị đắng, chát, tính bình, có độc mạnh. Trúc đào được coi là vị thuốc có tác dụng trợ tim, lợi tiểu, tán ứ chỉ thống, giải độc thấu chẩn… Nhưng việc dùng trúc đào làm thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ vì loại cây này có độc tính rất mạnh.

Trúc đào được nhà dược lý học E.B Pelikan sử dụng đầu tiên vào năm 1866 sau đó bị lãng quên. Đến năm 1936, cây trúc đào được nghiên cứu trở lại và hoạt chất nerioli được sử dụng làm thuốc trợ tim cho người bị suy tim.

“Trúc đào được sử dụng hỗ trợ tim, mở thông đường thở rất hiệu quả, chữa hen khan, mụn nhọt ngoài. Trúc đào được ghi trong sách Y học nhập môn của Lý Duyên chữa chứng đỏ mặt (bạo xích), có nước tụ trong ngũ tạng làm bụng to và lợi tiểu…”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.

Dù là vị thuốc điều trị nhưng theo khuyến cáo của Lương Y Bùi Hồng Minh mọi người không nên tùy tiện dùng cây trúc đào bất kể dưới hình thức nào để tránh nguy cơ bị ngộ độc. Không nên dùng cây trúc đào trồng làm cảnh trong nhà, trường học đã tránh nguy cơ gây độc cho trẻ nhỏ. Trúc đào cũng không nên trồng tại những nơi có chứa nguồn nước ăn vì lá rơi xuống có thể bị nhiễm độc. Đối với những bệnh nhân tim muốn dùng trúc đào để điều trị bệnh cần phải đi khám và có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 trào lưu làm đẹp 'lỗi mốt' bỗng dưng phát sốt

Đọc nhiều nhất