Mới đây, Bệnh viện Nhi đã tiếp nhận bệnh nhân 7 tuổi nhập viện với những triệu chứng nguy hiểm như: mặt nhiễm trùng và nhiễm độc, sưng bầm chân phải, xuất huyết da trên phạm vi toàn thân. Qua kiểm tra phát hiện mô tế bào chân bị rắn cắn, biểu hiện rối loạn đông máu nặng do nhiễm độc.
Theo lời người nhà, cháu bé trên đường đi chơi vào chiều tối do bất cẩn nên bị rắn cắn ở chân phải. Khi phát hiện sự việc, người nhà không thực hiện sơ cứu hay chuyển đến bệnh viện mà tự đưa tới thầy lang dùng lá đắp để cứu chữa. Theo lời thầy lang này, trong vòng 3 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, sau thời gian trên, cháu bé không những không khỏi mà 6 ngày sau vẫn có biểu hiện đau nhức, mệt mỏi, chân sưng to lan tới vùng đùi, sốt cao, lạnh, xuất huyết toàn thân.
Trước tình hình đó, gia đình mới đưa cháu bé đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau 2 đợt truyền huyết thanh kháng nọc rắn, sức khỏe cháu bé đã cải thiện nhiều. Chức năng đông máu cải thiện và dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên nguy kịch vì đắp lá sau khi bị rắn cắn. Hồi tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận cháu V (9 tuổi) bị nhiễm độc nặng do rắn cắn. Theo lời gia đình, cháu V đang trèo cây hái hoa quả thì bị rắn trong tán lá cắn vào chân phải. Nghe tiếng con khóc, bố mẹ cháu bé phát hiện con rắn đang bỏ chạy.
Cũng như trường hợp nói trên, cháu V được đưa tới thầy lang để hút nọc rắn, đắp lá. Không những không đỡ mà cháu V còn lâm vào tình trạng nguy kịch. Khi nhập viện, cháu bé có biểu hiện như xuất huyết da nhiều nơi, vết thương sưng tấy, chảy máu, sức khỏe tiến triển xấu.
Xử trí an toàn khi bị rắn cắn
Bác sĩ Minh Tiến cho hay, khi trẻ bị rắn cắn, phụ huynh cần phải giữ sự bình tĩnh cho trẻ, không đi lại nhiều, cần cho trẻ nằm yên. Nằm bất động và đặt nơi có vết rắn cắn thấp hơn so với tim để hạn chế nọc độc đi nhanh vào tim gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như các cơ quan trong cơ thể.
Sau đó, gia đình cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà bông. Khi đã rửa sạch vết thương, phải phủ lên vết thương miếng gạc sạch để giúp giảm cảm giác đau, sưng cho người bị rắn cắn. Tiếp đó, cần băng thun hay vải sạch lên vết thương.
Sau khi đã thực hiện sơ cứu cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và truyền huyết thanh kháng nọc độc phù hợp.
"Mặt khác, phụ huynh cũng cần lưu ý không rạch, nặng hay hút nọc độc. Vì việc làm này có thể gây chảy máu làm cho quá trình chất độc vào cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Tuyệt đối không đắp lá cây, loại thuốc không rõ nguồn gốc lên vết thương vì có thể gây hoại tử, nhiễm trùng nặng hơn.
Với phụ huynh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không để trẻ đi vào khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm. Xung quanh nhà cần phải phát quang để tránh tạo chỗ cho rắn ẩn nấp. Khi trèo lên cây phải quan sát để tránh rắn hay các con vật khác ẩn nấp. Khi ngủ dù ban ngày hay ban đêm cũng cần mắc màn để tránh rắn tấn công hay côn trùng đốt đặc biệt với những nhà cạnh ao hồ, bụi rậm", bác sĩ nhấn mạnh.
Còn bác sĩ Tiến Minh (Chuyên khoa Nhi) cho hay, nạn nhân bị rắn cắn không nên ga-rô phía trên vết thương vì ga-rô khiến máu không lưu thông được có thể gây hoại tử chi. Việc cố gắng bắt hoặc giết rắn cũng không được các bác sĩ khuyến khích. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng, nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần cẩn thận khi mang rắn.
Các bác sĩ khuyến cáo không được để bệnh nhân tự đi lại. Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ cho biết, nọc độc xâm nhập vào cơ thể theo con đường mạch bạch huyết (không phải mạch máu thông thường). Con đường vận chuyển nọc độc này sẽ trở nên nhanh hơn và nhiều hơn khi cơ thể vận động. Nếu nạn nhân, đặc biệt vùng cơ thể bị cắn không hạn chế vận động thì nọc sẽ xâm nhập nhanh hơn.
Hiền Anh
(Theo Congluan)
Mỹ nhân Việt phản pháo trước nghi vấn trùng tu nhan sắc: Người thưởng hẳn 10 tỉ cho ai có bằng chứng!